Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có rác thải nhựa lớn nhất thế giới
Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, nằm trong nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Theo Bộ TN-MT, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, là một "gánh nặng" cho môi trường.
Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi ni lông chiếm khoảng 8% - 12%. Lượng rác thải nhựa, túi ni lông tăng dần theo từng năm.
Hôm qua (28/2), Bộ TN-MT cùng 3 đơn vị sáng lập (gồm: Dow Việt Nam, SCG và Unilever Việt Nam) tổ chức hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện “Hợp tác công - tư xây dựng kinh tế tuần hoàn” trong quản lý rác thải nhựa nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam được khởi xướng từ năm 2020.
Sáng kiến triển khai 4 nhiệm vụ: phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa; truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ người dân; áp dụng công nghệ - đổi mới và giải pháp tái chế trong quản lý rác thải nhựa; đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Dự án đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa; hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật - giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã , 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) Phan Tuấn Hùng, việc thành lập và phát triển nhóm Hợp tác Công - Tư tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Đây là một diễn đàn thiết thực giúp Chính Phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường có các sáng kiến, thảo luận mang tính thực tiễn cao để hỗ trợ và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật”.
Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa tiếp tục đề ra lộ trình trong những năm tới, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025; đẩy mạnh các dự án và mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn.
Lộ trình 2022 - 2025 đặt ra mục tiêu nghiên cứu, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa có giá trị thấp, từ đó nâng cao kinh tế tuần hoàn nhựa.