Việt Nam thuộc top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế

Ngày 4-12, Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York cùng Công ty DHL cho biết, đã công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (GCI 2020). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, đạt kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế.

Ngày 4-12, Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York cùng Công ty DHL cho biết, đã công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (GCI 2020). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, đạt kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế.

Phiên bản thứ 7 này của GCI là phân tích toàn diện đầu tiên về toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người khắp 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á nhận được nhiều lợi ích từ mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp châu Á, cùng các cải tiến về chính sách của ASEAN với chủ trương ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực.

Việt Nam đặc biệt vượt trội về chiều sâu (tương quan giữa dòng chảy quốc tế và hoạt động quốc nội) với vị thế dẫn đầu, lẫn chiều rộng (việc các dòng chảy quốc tế được trải rộng khắp toàn cầu hay ở phạm vi hẹp hơn).

Ngoài ra, Việt Nam có thành tích tốt nhất xét về dòng chảy thương mại và xếp thứ 5 nói chung. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao.

Ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam nhận định: “Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến được lựa chọn của các doanh nghiệp đang muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình. Các doanh nghiệp này bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và lành nghề của Việt Nam, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (ví dụ như hiệp định EVFTA gần đây với Liên minh châu Âu), và sự ổn định chung của xã hội. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều công ty công nghệ cao, cũng như ngày càng nhiều công ty thời trang và may mặc, đang có kế hoạch chuyển đến Việt Nam hoặc mở rộng năng lực sản xuất của họ tại đây”.

Sau khi duy trì trạng thái ổn định vào năm 2019, các dự báo hiện nay cho rằng, chỉ số này sẽ lao dốc đáng kể trong năm 2020 do tác động của giãn cách xã hội như đóng cửa biên giới, hạn chế du lịch và di chuyển bằng đường hàng không.

Nhưng điểm tích cực là mức độ kết nối trên toàn cầu nói chung nhiều khả năng vẫn sẽ cao hơn mức được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi.

Ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express phát biểu: “Cuộc khủng hoảng hiện tại chứng minh rằng các kết nối quốc tế là điều không thể thiếu để duy trì kinh tế toàn cầu, bảo đảm sinh kế cho người dân và giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Các chuỗi cung ứng và mạng lưới logistics đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ cho thế giới vận hành và ổn định toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng đang lan rộng ở nhiều quốc gia”.

Ông Steven A. Altman, tác giả chính của báo cáo GCI, Học giả Nghiên cứu Cấp cao, kiêm Giám đốc phụ trách Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết: “Báo cáo này cho thấy sự toàn cầu hóa đã không bị đứt gãy trong năm 2020, nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi - ít nhất là tạm thời - cách mà các quốc gia kết nối với nhau. Nó còn chỉ ra những nguy cơ của một thế giới bị đứt gãy các kết nối quan trọng, cũng như các nhu cầu cấp bách về việc hợp tác hiệu quả hơn trước những thách thức toàn cầu”.

Các quốc gia Đông Nam Á như: Campuchia, Singapore, Việt Nam và Malaysia đứng đầu danh sách các nền kinh tế có thành tích ấn tượng về dòng chảy quốc tế, trong đó các chuỗi cung ứng ở cấp độ khu vực đóng vai trò chính trong thành tích của các quốc gia này.

Báo cáo GCI năm nay cũng đánh dấu sự khởi đầu của Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York. Dự án nghiên cứu mới nhằm mục đích tạo ra một trung tâm chuyên môn hàng đầu về nghiên cứu toàn cầu hóa dựa trên dữ liệu.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/viet-nam-thuoc-top-5-cac-quoc-gia-co-ket-qua-an-tuong-ve-dong-chay-thuong-mai-quoc-te-626966/