Việt Nam trả nợ công, nợ chính phủ đầy đủ, đúng hạn

Đánh giá về tình hình trả nợ của Chính phủ, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Việt Nam đã sẵn sàng bố trí nguồn lực để trả nợ đúng cam kết.

Việt Nam đã sẵn sàng bố trí nguồn lực để trả nợ đúng cam kết.

Công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ chính phủ đến nay đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN);việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Lãi suất huy động vốn giảm ở các kỳ hạn

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) – Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, Chính phủ vừa thực hiện huy động vốn NSNN, vừa chủ động tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ (TPCP), gắn việc tổ chức phát hành TPCP với tiến độ trả nợ gốc và giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó danh mục nợ TPCP đã cải thiện theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất bình quân, đa dạng cơ cấu nhà đầu tư, góp phần phát triển thị trường TPCP hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tính đến cuối tháng 9/2019, khối lượng phát hành TPCP đạt 160.991,5 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân 9 tháng duy trì ở mức cao, đạt 13,5 năm. Kỳ hạn bình quân danh mục TPCP đến ngày 30/9/2019 là 7,3 năm. Lãi suất phát hành TPCP trong 9 tháng năm 2019 các kỳ hạn 5 - 30 năm hiện nay giảm từ 0,2% - 1,1%/năm so với cuối năm 2018, lãi suất phát hành bình quân là 4,85%/năm.

Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ huy động khoảng 200 - 280 nghìn tỷ đồng TPCP/năm để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc của NSNN theo dự toán được Quốc hội giao hàng năm.

Chính phủ cũng thực hiện đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành TPCP, đồng thời tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao, từ năm 2017 đến nay đạt khoảng 12 - 13 năm, trong đó 90% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên để tái cơ cấu danh mục nợ, góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợ TPCP lên mức 7,33 năm tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2019 (tăng 0,63 năm so với thời điểm cuối năm 2017; tăng 2,89 năm so với thời điểm cuối năm 2015), mức cao nhất từ trước đến nay.

Lãi suất phát hành TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ mức khoảng 6,5% - 8%/năm đối với các kỳ hạn 5 năm đến 30 năm xuống còn khoảng 3,15% - 5,35%/năm, trong đó kỳ hạn 10 năm đến 30 năm đang có lãi suất thấp nhất từ trước đến nay.

Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường tiếp tục cải thiện, các tổ chức phi ngân hàng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đến cuối tháng 9/2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tài chính phi ngân hàng là 59,6% (tăng 7,4% so với cuối năm 2018; tăng 36,7% so với cuối năm 2015); tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại là 40,4% (giảm 7,4% so với cuối năm 2018; giảm 36,7% so với cuối năm 2015), đạt mục tiêu sớm trước 2 năm lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (mục tiêu đặt ra là các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ 50% TPCP vào năm 2020).

Đối với vay ưu đãi nước ngoài, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục QLN&TCĐN đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương,... làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.

Tính đến hết tháng 9/2019, Chính phủ đã thực hiện ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài (4 hiệp định với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 1 hiệp định với Quỹ Phát triển quốc tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID)), với tổng trị giá khoảng 463 triệu USD.

Trả nợ đầy đủ, đúng hạn

Theo số liệu thống kê của Cục QLN&TCĐN, lũy kế 9 tháng năm 2019, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 237.470 tỷ đồng (bằng 71,3% kế hoạch năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 196.281 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.189 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình trả nợ của Chính phủ, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của Chính phủ có thể thấp hơn so với kế hoạch, chủ yếu do Việt Nam được lùi thời điểm áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đến 1/7/2020 (Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức thông báo việc lùi áp dụng điều khoản trả nợ nhanh vào đầu năm 2019).

Thực tế, Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA của WB từ tháng 7/2019 và theo đó sẽ trả nợ gốc nhanh gấp đôi đối với dư nợ từ nguồn vốn này theo thống nhất giữa Việt Nam và WB.

Được biết, Bộ Tài chính Việt Nam đã sẵn sàng bố trí nguồn lực để trả nợ nhanh trong những năm tới; đồng thời Bộ Tài chính đã đề nghị WB ủng hộ lựa chọn phương án trả nợ nhanh dư nợ IDA theo hướng một mặt phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định vay, mặt khác đảm bảo sự nhất quán về chính sách của WB đối với tăng trưởng công bằng, việc trả nợ nhanh không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam./.

Theo Khánh Huyền/Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo Khánh Huyền/Thời báo Tài chính Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/viet-nam-tra-no-cong-no-chinh-phu-day-du-dung-han/20191014122859199