Việt Nam triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19; tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc-xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á .

Chiều nay (8/11), phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, đã có một số kết quả, bài học bước đầu: Thứ nhất là, sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước; huy động toàn đảng, toàn dân, toàn quân tham gia công tác phòng chống dịch; đã phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân; cả nước đồng lòng chống dịch với ưu tiên đặt sức khỏe, tính mạnh của người dân lên trên hết, trước hết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Thứ hai là, nhiều kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà; xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực. Chiến lược phòng chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch.

Thứ ba là, huy động số lượng lớn các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác vào TP. HCM và các tỉnh phía Nam. “Trong đại dịch, chúng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau vượt qua khó khăn. Ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TP. HCM và các địa phương khác trong thời gian qua”, ông Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng trình bày một số vấn đề mà các ĐBQH cùng cử tri quan tâm. Đầu tiên là vắc-xin, ông Long cho biết, thời gian qua, đất nước đã triển khai chiến lược vắc-xin rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...

Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 07/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, số lượng vắc-xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau. "Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc-xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 02 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần", ông Long cho biết.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin trong nước với 02 vắc-xin đang thử nghiệm giai đoạn 3; 01 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên Thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tiếp đó là về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Chính phủ ban hành Quyết định 2348 ngày 05/12/2016 của TTCP xây dựng Y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

“Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua. Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Cuối cùng là việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-trien-khai-ke-hoach-tiem-vac-xin-mui-thu-3-vao-cuoi-nam-nay-va-dau-nam-sau-post165788.html