Việt Nam triển khai nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét
Ngày 3/3, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tổ chức lễ khởi công dự án nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét, tại Trạm radar Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Ngày 3/3, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức lễ khởi công dự án nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và , tại Trạm radar Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Nguồn tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự án nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét được triển khai bằng nguồn vốn ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định 1280/QĐ-TTg ngày 31/7/2014.
Dự án nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét được triển khai nhằm góp phần hoàn thiện đồng bộ các nội dung của Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đáp ứng tốt hơn năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
Trong khuôn khổ dự án, Công ty Vaisala (Phần Lan) sẽ hỗ trợ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam lắp đặt 5 trạm radar tại Việt Nam, và trạm đầu tiên được lắp đặt ở trên đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ hỗ trợ nâng cấp 3 trạm radar cũ tại Việt Nam, và cung cấp những thiết bị mới để đảm bảo 3 trạm cũ đồng bộ hóa với 5 trạm mới, giúp xây dựng hệ thống quan trắc bằng radar đồng bộ trên toàn quốc.
Một trong những cấu phần quan trọng khác của dự án là xây dựng hệ thống phát hiện giông sét (một trong những hiện tượng thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là trong những trận bão đối lưu lớn). Vì vậy, việc xây dựng hệ thống phát hiện giông sét có thể kết hợp với các trạm radar hoạt động hỗ trợ lẫn nhau.
Hệ thống phát hiện giông sét sẽ bao gồm 18 điểm phát hiện giông sét được phân bố trên toàn lãnh thổ Việt Nam; và chúng tôi cũng hy vọng toàn bộ hệ thống sẽ hoàn thành trong vòng 1 năm.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày tác động mạnh mẽ và nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực phòng trống thiên tai, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu càng trở nên quan trọng.
Theo ông Thái, từ trước đến nay, thông qua thể chế hợp tác giữa các cơ quan (ICI), các dự án hỗ trợ hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam giai đoạn I và II do Chính phủ Phần Lan viện trợ không hoàn lại được triển khai đã hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn.
Tiếp nối những kết quả tốt đẹp của dự án giai đoạn I và II, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã trình Chính phủ đề nghị được thực hiện dự án vốn vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan dành cho Việt Nam “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Việt Nam,” nhằm đáp ứng tốt hơn năng lực quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
“Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ từ Công ty Vaisala, Viện Khí tượng Phần Lan, tôi tin rằng dự án sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra, đó là tăng cường năng lực, cải thiện cơ sở hạ tầng khí tượng thủy văn. Đặc biệt là hệ thống quan trắc ra đa thời tiết và cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, bão, lũ, giông, sét và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác,” ông Thái nhấn mạnh.
Về phía Phần Lan, ông Marko Saarinen, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cũng nhận định, với những kinh nghiệm và chuyên môn của mình, Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia và Công ty Vaisala (Phần Lan) có khả năng triển khai dự án thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, hai cơ quan cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua thách thức có thể xuất hiện trong quá trình triển khai dự án.
Theo ông Marko Saarinen, hiện nay, có một thách thức mới nổi cần xử lý ngay là ngân sách hàng năm của dự án là không đủ, cần tìm ra giải pháp để có thể triển khai ngay dự án. Vì thế, bất cứ sự trì hoãn nào cũng có thể ảnh hưởng tới nguồn vốn ODA của Chính phủ Phần Lan.
"Do đó, tôi kêu gọi chủ đầu tư và các bên liên quan của dự án cùng nhau hợp tác để có thể triển khai dự án thành công và cung cấp đầy đủ tài chính cho dự án trong năm nay,” ông Marko Saarinen nhấn mạnh./.