Việt Nam triển khai nhiều chính sách giáo dục cho nền kinh tế xanh và số
Nhận thức giáo dục có vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách lớn về giáo dục, đào tạo nhằm chuẩn bị cho một nền kinh tế xanh và số.
Giáo dục có vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh

Học sinh tiểu học và cô giáo. (Ảnh minh họa: SƠN BÁCH)
Ngày 17/4, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư, tại các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”.
Tham dự phiên thảo luận có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành một số quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp của các nước, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư là hội nghị quốc tế đầu tiên do Việt Nam đăng cai trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh tiếp tục là xu thế lớn của thế giới và là ưu tiên trong chính sách của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh vai trò trung tâm của giáo dục trong quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển đổi xanh toàn diện và khẩn trương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định rõ vai trò then chốt của con người - nguồn nhân lực - trong mọi chiến lược phát triển.
“Một lực lượng lao động có kỹ năng, có tư duy sáng tạo, có khả năng thích ứng với các yêu cầu mới của nền kinh tế xanh là yếu tố quyết định thành công của các mục tiêu Net Zero, tăng trưởng bền vững và bao trùm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc tại phiên thảo luận. (Ảnh: VOV; Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Theo chia sẻ tại Phiên 4, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách lớn về giáo dục, đào tạo nhằm chuẩn bị cho một nền kinh tế xanh và số. Một trong những nội dung nổi bật là “Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó lấy tự chủ đại học và chuyển đổi số làm hai đột phá chiến lược.
Ở bậc phổ thông, Việt Nam đang xây dựng một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bao trùm, thúc đẩy học tập suốt đời. Theo đó, tỷ lệ hoàn thành tiểu học hiện đạt 99,7%, trung học cơ sở 99% và trung học phổ thông 95% - các chỉ số gần tiệm cận các quốc gia phát triển trong khu vực.
Ở bậc giáo dục nghề nghiệp và đại học, các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, xây dựng xanh, nông nghiệp hữu cơ, quản lý chất thải… đang được hiện đại hóa mạnh mẽ.
Để chuẩn bị cho nền kinh tế xanh và số, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách lớn về giáo dục ở bậc đại học, phổ thông, cũng như các chương trình đào tạo nghề trọng điểm, thúc đẩy các mô hình giáo dục xanh.
Mạng lưới các trường sư phạm và đại học đang được quy hoạch lại theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế, đào tạo các ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, đường sắt cao tốc.
Việt Nam cũng đang triển khai các chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển tài liệu, chương trình đào tạo và các mô hình giáo dục xanh.
Con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh
"Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm bằng cách tạo cơ hội việc làm bền vững, bảo đảm người lao động có thể tiếp cận việc làm trong nền kinh tế xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và thành phố xanh" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Nhân lực tài năng trong lĩnh vực STEM là động lực quan trọng của tăng trưởng bền vững; phát triển lực lượng lao động xanh.
Trong đó, Việt Nam tập trung vào việc tái đào tạo và nâng cao kỹ năng xanh tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch công nghiệp; khuyến khích quan hệ đối tác giáo dục-kinh doanh để gắn kết đào tạo với các hoạt động xanh.
Việt Nam cũng coi nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực STEM là động lực quan trọng của tăng trưởng bền vững; tìm kiếm quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển các mô hình toàn diện nhằm phát triển lực lượng lao động xanh.
Các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Nhận diện khoảng cách giữa các ngành nghề, kỹ năng hiện có và các ngành nghề, kỹ năng mới cho quá trình chuyển đổi xanh; Những chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh; Các mô hình hợp tác thành công giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức trong nước, quốc tế để xây dựng đội ngũ nhân lực xanh.
Trong đó, khoảng cách ngày càng lớn giữa năng lực hiện tại của người lao động và yêu cầu của các ngành nghề mới trong bối cảnh chuyển đổi kép: số hóa và xanh hóa, không chỉ diễn ra ở các quốc gia đang phát triển mà còn là thách thức với cả các nước công nghiệp.
Giáo dục, theo đó, không còn là “hệ thống khép kín truyền thống” mà cần trở thành một “hệ sinh thái học tập mở”, linh hoạt, gắn với thị trường lao động và thực tiễn sản xuất. Nhiều mô hình hợp tác ba nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - Cơ sở đào tạo (tripartite model) cũng được nhấn mạnh là hướng đi hiệu quả, nhằm vừa thiết kế chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tiễn, vừa hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận thực hành, thực tập và dễ dàng tái đào tạo hoặc nâng cao kỹ năng trong quá trình làm việc.