Việt Nam trở nên thu hút bởi nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất tiên tiến

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là quê hương của các cơ sở sản xuất chi phí thấp và giá rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính phủ và khu vực tư nhân đã nỗ lực hết mình để thu hút những tài năng tốt nhất trong nỗ lực không ngừng để trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực.

 Việt Nam đang nỗ lực để trở thành trung tâm sản xuất tiên tiến của khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Việt Nam đang nỗ lực để trở thành trung tâm sản xuất tiên tiến của khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều gã không lồ công nghệ toàn cầu, nhiều trong số đó đã và đang tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam.

Cụ thể, tháng 12/2022, Samsung đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại thủ đô Hà Nội, trung tâm lớn nhất của tập đoàn ở Đông Nam Á. Gần như 2.000 nhân viên tại cơ sở 16 tầng này đều là những tài năng công nghệ tại địa phương, đã tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của đất nước.

Bên cạnh đó, ngày 24/6 vừa qua, Trung tâm đã đón tiếp vị khách cao cấp nhất từ trước đến nay là Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, trong đó Tổng thống Yoon cho biết rằng Seoul sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa các hoạt động nghiên cứu chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Dựa trên các số liệu mới nhất, Samsung Electronics sản xuất hơn một nửa số điện thoại thông minh bán ra mỗi năm trên toàn thế giới tại Việt Nam.

Ghi nhận chỉ trong nửa đầu năm, một số tên tuổi lớn đã công bố kế hoạch lớn để phát triển sự hiện diện của các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ nhất khi nhà cung cấp cho Apple là công ty BOE Technology Group cho biết họ sẽ đầu tư 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam, trong khi công ty bán dẫn Marvell Technology của Mỹ sẽ thành lập một trung tâm thiết kế mạch tích hợp tại tp. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam.

Cùng với đó, LG Electronics dự định mở rộng quy mô hoạt động R&D tại Việt Nam nhằm củng cố hoạt động kinh doanh phụ tùng xe điện đang phát triển của công ty.

Tháng 8/2022 vừa qua, tập đoàn hàng không Boeing của Mỹ đã tổ chức một buổi khai mạc diễn đàn hàng không vũ trụ tại Việt Nam, với mục tiêu chính là tìm các nhà cung cấp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu của Boeing.

Các nhà quan sát trong ngành cho biết, bên cạnh việc cung cấp các chương trình thực tập, học bổng và đào tạo để thúc đẩy lực lượng lao động của Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động có sẵn, các công ty đa quốc gia này và sự hiện diện ngày càng tăng của họ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao.

Đổi lại, điều này sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu (deep-tech) của Việt Nam – thế hệ tiếp theo của các doanh nghiệp sáng tạo – sau nhiều thập kỷ áp dụng công nghệ nước ngoài vào các ngành như điện tử và cơ khí.

Paul Kallmes, một cựu chiến binh ở Thung lũng Silicon, chuyên gia về sở hữu trí tuệ (IP) và thâm nhập thị trường quốc tế nhận định, đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nỗ lực để duy trì môi trường thuận lợi và danh tiếng ngày càng tăng.

Ông Paul Kallmes nhận xét: “Chất lượng thiết kế và sản xuất ở Việt Nam thực sự vượt trội. Từ bộ kẹp robot thông minh đến xe máy điện, thiết bị y tế… phần lớn được sản xuất với ngân sách tương đối eo hẹp”.

Nhận xét được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đã xác định đổi mới, khoa học và công nghệ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, với hi vọng đất nước sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/viet-nam-tro-nen-thu-hut-boi-no-luc-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-tien-tien-129488.html