Việt Nam trở thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới?

Tại tọa đàm 'Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới' do Báo Nhân dân phối hợp với Báo Văn hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các diễn giả đã bàn luận, đưa ra những cơ hội, thách thức và cả những rào cản để giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các đoàn làm phim thế giới.

“Nếu chúng ta nhìn sang Thái Lan, một năm họ thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ, nhưng ở Việt Nam, tính đi tính lại tôi thấy vẫn chưa hết 2 bàn tay. Như vậy, chứng tỏ người ta đến quay cảnh Việt Nam nhưng họ không được ưu đãi thì họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philippines hoặc các nước chào đón họ. Như vậy, chúng ta mất nhiều khách hàng. Đó là những điều chúng ta cần xem xét và suy ngẫm”. Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” tổ chức tại Hà Nội.

''Cầu nối'' quảng bá hình ảnh đất nước

Tại tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” do Báo Nhân dân phối hợp với Báo Văn hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các diễn giả đã bàn luận, đưa ra những cơ hội, thách thức và cả những rào cản để giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các đoàn làm phim thế giới. Còn nhớ 30 năm trước, công tác quảng bá về du lịch còn rất hạn chế. Năm 1992, những phim như “Đông Dương”, “Người tình”, “Điện Biên Phủ” phát hành và vịnh Hạ Long trở nên nổi tiếng với thế giới qua phim ảnh. Có thể nói, giai đoạn khởi đầu của du lịch Việt Nam có tác động rất lớn từ những bộ phim điện ảnh đến công tác xúc tiến.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho hay: "Năm 1992 bộ phim “Đông Dương" ("Indochine" - 1992), có một số cảnh quay ở vịnh Hạ Long; điện Thái Hòa, lăng Tự Đức (Huế); Tam Cốc - Bích Động ở Ninh Bình. “Đông Dương” là bộ phim quay tại Việt Nam thành công nhất khi giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Sau khi bộ phim được công chiếu, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) đã được nhiều du khách quốc tế biết đến, đặc biệt là khách du lịch Pháp. Hiện nay, khách du lịch Pháp, châu Âu chiếm 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây. Trước đây, hầu như không có khách du lịch quốc tế.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình chia sẻ: “Quảng Bình được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm tại Việt Nam cũng từ việc Quảng Bình được các hãng phim trong nước và nước ngoài đến khảo sát bối cảnh, triển khai một số bộ phim, video ca nhạc nổi bật như “Good Morning America”; “Kong: Skull Island”; “Alone Pt II” của DJ Alan Walker; một phần tập 6 của “Planet Earth III - Extremes”; “Người bất tử”...”.

Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sản xuất năm 2015 cũng tạo cơn sốt, biến Phú Yên trở thành điểm đến được đông đảo người dân trong nước và quốc tế lựa chọn.

Rõ ràng, điện ảnh là cầu nối để quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. Tuy nhiên, theo bà Ngô Phương Lan: “Tôi thấy chúng ta nói rất nhiều về việc đưa hình ảnh đẹp, phải làm du lịch kết hợp với điện ảnh, nhưng theo tôi, khi làm một bộ phim chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó quảng bá được cho địa phương và điểm đến. Nếu chúng ta du lịch hóa tác phẩm điện ảnh thì vô hình trung cả hai bên sẽ không đạt được hiệu quả, phim sẽ không thành công và không quảng bá được du lịch”.

Cần gỡ bỏ những rào cản

Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách của Việt Nam có thực sự cởi mở, thúc đẩy việc thu hút các đoàn làm phim tới Việt Nam, đưa Việt Nam thành một phim trường của thế giới trong tương lai?

Theo bà Ngô Phương Lan, Luật Điện ảnh 2022 rất mới, có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế. Nhưng, những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có. “Cụ thể, về thủ tục có đơn giản hơn. Thí dụ như trước đây, nếu chỉ quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%. Còn hiện nay, chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam thôi, còn phần quay ở Việt Nam mới cần đưa kịch bản 100% cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép. Ngoài ra, phần cơ chế tài chính, chính sách, tôi thấy Nghị định 41 cũng có những cái tốt, tức là có các cơ chế giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim, nhưng theo luật thuế không có gì liên quan về cơ chế này. Khi đưa vào thực tế thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan thuế phải có những văn bản dưới luật, làm sao để có ưu đãi cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam” - bà Lan khẳng định.

Ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ, hiện nay chúng ta đã dần tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, thủ tục để thu hút các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam. Luật Điện ảnh có phối hợp chặt chẽ, để “chắp đôi cánh” cho phát huy tiềm năng các lĩnh vực khác, đặc biệt là du lịch.

Một cảnh quay tại TP Hồ Chí Minh trong phim “A Tourist's Guide to Love”.Ảnh: Netflix

Một cảnh quay tại TP Hồ Chí Minh trong phim “A Tourist's Guide to Love”.Ảnh: Netflix

“Chúng tôi đã tạo cơ chế phát triển du lịch qua lĩnh vực điện ảnh bằng cải cách thủ tục hành chính. Chúng tôi đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để từng bước xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho lĩnh vực điện ảnh, từ 11 thủ tục hành chính giai đoạn 2006-2009 đến giờ còn 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh, giảm thời gian tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục còn 20 ngày, bằng 2/3 thời gian so với trước đây. Chúng tôi cũng tiến hành chuyển đổi số trong công tác hành chính, nâng cấp cấp độ 3 lên cấp độ 4, có giải pháp tạo điều kiện cho tất cả các bên, đặc biệt cho các nhà làm phim nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi đã xây dựng chung các khung liên quan đến ưu đãi, về thuế, nguồn lực...

Thời gian qua, liên quan đến cấp phép đã có nhìn nhận, đánh giá về những khác biệt văn hóa, chúng tôi cũng tiếp nhận để có cái nhìn mới sao cho hòa nhập, hội nhập, nhưng không hòa tan, những gì cần điều chỉnh được, chúng tôi đã điều chỉnh. Khi xây dựng Luật Điện ảnh, chúng tôi đều có đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới như Pháp, Singapore,... Trên cơ sở đó, chúng tôi tổng hợp và đưa ra các khung pháp lý để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất và xây dựng một số phương án để tham mưu, đề xuất khi xây dựng các chính sách liên quan về phát triển du lịch”.

Ông Nguyễn Ngọc Quý khẳng định: “Qua việc triển khai các dự án phim trên tại Quảng Bình, việc quảng bá du lịch, con người Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh, đặc biệt là phim “bom tấn” của các hãng phim Hollywood là một trong những phương thức quảng bá hiệu quả nhất, có khả năng tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để biến nhu cầu đó thành các sản phẩm cụ thể thì cần phải có kế hoạch thực hiện dài hạn mang tính chiến lược để tạo điều kiện thuận lợi cho các đạo diễn bối cảnh, đoàn khảo sát các dự án phim. Sẵn sàng các tư liệu giới thiệu các điểm phim trường, các chính sách hỗ trợ, đồng hành với đoàn làm phim; đồng thời cũng phải có những thỏa thuận cụ thể về công tác bảo mật thông tin, quảng bá, truyền thông khi triển khai các dự án phim”.

Nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới - đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, từ ngày 21 đến 28/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Đây là chương trình xúc tiến, quảng bá có tính chất điểm nhấn trong năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỹ Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/viet-nam-tro-thanh-diem-den-moi-cua-dien-anh-the-gioi--i744646/