Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa của Đức
Một phái đoàn doanh nghiệp Đức, trong đó có những tập đoàn hàng đầu về máy đào hầm, trang trại gió và thiết bị công nghiệp, tháp tùng Tổng thống Frank-Walter Steinmeier thăm Việt Nam từ ngày 23-24/1.
Theo Phòng thương mại Đức tại Việt Nam, các tập đoàn, công ty Đức đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, dẫn đầu là gã khổng lồ Bosch.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Steinmeier chứng kiến Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil ký một biên bản ghi nhớ với Việt Nam về lao động di cư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lao động Việt Nam sang Đức.
Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Steinmeier cho biết, lãnh đạo một số tập đoàn, công ty tham gia đoàn tháp tùng ông lần này "đang xem xét việc thiết lập hiện diện ở Việt Nam".
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế - xã hội năng động của Việt Nam; nhấn mạnh trong gần 50 năm qua, sự gắn kết chặt chẽ và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, chuyển đổi năng lượng, lao động và dạy nghề, hợp tác phát triển, cũng như phối hợp chặt chẽ đóng góp cho hòa bình và các vấn đề hợp tác khu vực, toàn cầu.
Trong đoàn tháp tùng có đại diện của Herrenknecht, hãng thống trị thị trường toàn cầu về máy khoan hầm. Công ty này đã bán máy móc và thiết bị để làm tuyến tàu điện ngầm ở TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng hệ thống đường sắt và tàu điện ngầm.
Hãng phát triển trang trại gió PNE AG cũng có mặt trong phái đoàn, để tìm cơ hội tranh thủ kế hoạch của Việt Nam nhằm phát triển năng lượng gió ngoài khơi.
Trong đoàn tháp tùng còn có đại diện hãng vật liệu xây dựng Knauf Gips KG và nhà cung cấp băng dính công nghiệp Tesa. Cả hai đều đã có hoạt động tại Việt Nam.
Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer, một tổ chức nghiên cứu của Đức, cho biết, chuyến thăm “nhấn mạnh sự quan tâm của Đức trong việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ kinh tế”.
Chuyến thăm của Tổng thống Steinmeier diễn ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Việt Nam vào tháng 11/2022. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức trong hơn một thập kỷ.
Sau các hoạt động tại Hà Nội, Tổng thống Steinmeier thăm TP. Hồ Chí Minh trong ngày 24/1. Tại đây, ông và đoàn doanh nghiệp Đức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chủ đề trọng tâm là triển vọng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), còn Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Đức trong nhóm các nước ASEAN, hãng thông tấn Đức DPA viết.
Kim ngạch hai nước năm 2023 đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Đức là nhà đầu tư lớn thứ tư trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-trong-chien-luoc-da-dang-hoa-cua-duc-post1607230.tpo