Việt Nam trong số 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất
Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2.000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS.
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Giáo sư Long cho hay trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Theo đánh giá của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), từ năm 2.000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS.
Uớc tính của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống nhưng chỉ có 210.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Những năm qua, Việt Nam đã được nhiều thành tựu quan trọng được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Báo cáo tại Phiên họp cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành Y tế năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt kế hoạch.
Số giường bệnh trên vạn dân ước thực hiện 28,0, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13; vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13 (đến năm 2020 là 26,5).
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước thực hiện 90,7%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13; vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13 (đến năm 2020 trên 80%)…
Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng bước đầu được triển khai, an toàn thực phẩm, môi trường y tế, kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe có kết quả tích cực. Chất lượng dân số từng bước cải thiện, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Bên cạnh đó, năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên.
Thảo luận tại phiên họp, cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Y tế, các đại biểu đã chỉ rõ một số vấn đề cần quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ tại y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã chưa đồng đều ở các địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về dược và trang thiết bị y tế; đặc biệt trong công tác đấu thầu, mua sắm. Bộ Y tế cần nghiên cứu xây dựng chính sách phân bổ nhân lực y tế nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngành một cách toàn diện, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ngoài ra, Bộ Y tế đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy y tế cơ sở phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu./.