Việt Nam-Trung Quốc: Làm giàu kho tàng lý luận phong phú

Hợp tác tư tưởng lý luận là nét đặc thù riêng có giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Trung Quốc vì hai Đảng, hai Nhà nước đều có chung hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, cùng xác định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản của mỗi nước lãnh đạo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo lý luận lần thứ XV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quý Châu, Trung Quốc, tháng 7/2019. (Nguồn: TTXVN)

Các đại biểu tham dự Hội thảo lý luận lần thứ XV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quý Châu, Trung Quốc, tháng 7/2019. (Nguồn: TTXVN)

Nền tảng lý luận vững chắc

Do điều kiện chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nên Việt Nam phải tập trung mọi trí tuệ, nguồn lực vào công cuộc vĩ đại này, bởi vậy, nhiều năm liền chưa có điều kiện tập trung nghiên cứu sâu lý luận.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và nhất là từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, khi đó mới có điều kiện đi sâu nghiên cứu lý luận.

Về lĩnh vực này, Trung Quốc có điều kiện đi trước Việt Nam một bước, và đã đạt được những thành quả nhất định, để lại những bài học đáng quý. Từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều sáng tạo trên bình diện lý luận.

Từ sau Hội nghị toàn thể lần thứ ba khóa XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tái xác lập đường lối tư tưởng giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, triệt để phủ định sai lầm trong lý luận và thực tiễn “lấy đấu tranh giai cấp làm trọng tâm”, tiến hành cải cách mở cửa, khai sáng thành công lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Sau Hội nghị toàn thể lần thứ tư khóa XIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã bảo vệ thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong điều kiện Liên Xô khủng hoảng và bị giải thể, Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đối mặt với nhiều chông gai, thử thách.

Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác lập mục tiêu cải cách và kết cấu cơ bản của thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; xúc tiến chương trình mới về xây dựng Đảng mà kết tinh lý luận là tư tưởng quan trọng “ba đại diện”; thực hiện thành công việc đưa chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vững bước tiến vào thế kỷ XXI.

Từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVI, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiên trì đi theo con đường đã chọn, sáng tạo một số lý luận mới như phát triển một cách khoa học, xác lập tư tưởng lấy con người làm gốc, tư tưởng xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là “tam nông”, xác lập tư tưởng xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, nêu bật tư tưởng chiến lược của việc xây dựng tính tiên tiến của Đảng, năng lực cầm quyền của Đảng, những quan điểm mới về tăng cường và cải tiến công tác xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII và XIX đến nay, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã không quên tâm nguyện ban đầu, khắc ghi sứ mệnh, trù tính tổng thể, đẩy mạnh bố cục “bốn toàn diện”, kiên định quán triệt triết lý phát triển mới, thúc đẩy sự nghiệp phát triển của Đảng, phát triển đất nước đạt được sự chuyển biến mang tính lịch sử. Điều này được thể hiện trong tổng thể tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời kỳ mới bao gồm các nội dung cơ bản về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, về hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, về chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, và về văn hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Kho tàng lý luận quý báu

Từ ngày đổi mới đến nay, Việt Nam cũng đạt nhiều thành quả trong sáng tạo lý luận trên các bình diện: nghiên cứu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, và rất nhiều sáng tạo lý luận trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa - xã hội…

Tăng cường quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc là cần thiết, nếu không nói là tất yếu lịch sử để tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Thực tiễn lĩnh vực hợp tác về nghiên cứu lý luận giữa hai Đảng, hai Nhà nước đã gặt hái những thành quả nhất định.

“Chủ nghĩa xã hội từ khi ra đời từ hình thái ý thức đến hiện thực luôn là sự tranh luận bất tận của xã hội loài người”. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước của hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều rất coi trọng trao đổi tư tưởng lý luận giữa các nhà lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước.

Ví dụ như: Hỗ trợ nhau, tăng cường trao đổi về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước, công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế; Thỏa thuận liên kết mở lớp đào tạo lý luận cán bộ cấp cao giữa hai Đảng và trao đổi chuyên gia giữa hai nước.

Từ ngày Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa và Việt Nam tiến hành Đổi mới đến nay, hợp tác trao đổi tư tưởng lý luận giữa hai nước đã được tăng cường. Năm 2000, hai Đảng, hai Nhà nước đã thống nhất hoạch định kế hoạch nghiên cứu lý luận thường niên.

Cho đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về tư tưởng lý luận. Riêng năm 2000, hai nước đã tổ chức hai cuộc hội thảo khoa học bàn về những vấn đề lý luận căn cốt nhất, khái quát nhất, cơ bản nhất và cấp bách nhất đối với hai nước khi lựa chọn con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo đó, Hội thảo thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng 6/2000 với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội: Cái phổ biến và cái đặc thù” và Hội thảo thứ hai được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11/2000 với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội: Kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam”.

Từ năm 2003 đến năm 2019, hai nước đã tổ chức được 15 hội thảo lý luận bàn chuyên sâu về từng vấn đề mà hai Đảng, hai Nhà nước cùng quan tâm như: Hội thảo “Chủ nghĩa xã hội và Kinh tế thị trường: Kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam” (năm 2003), Hội thảo “Phát triển khoa học, hài hòa trong xây dựng kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa” (ngày 30/7/2007), Hội thảo “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc” (tháng 1/2013), Hội thảo “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc”.

Gần đây nhất là Hội thảo lý luận lần thứ XV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”, được tổ chức vào ngày 21/7/2019 tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Những hợp tác nghiên cứu tư tưởng lý luận giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc tổng kết thực tiễn, sáng tạo lý luận giúp cho việc hoạch định đường lối, phương châm lãnh đạo đúng đắn, đưa đất nước tiến lên phù hợp với bối cảnh lịch sử từng giai đoạn phát triển của khu vực và thế giới.

Hợp tác tư tưởng lý luận giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không những đóng góp cho sự phát triển của hai Đảng, hai Nhà nước, mà còn đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho phong trào công nhân quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-quoc-lam-giau-kho-tang-ly-luan-phong-phu-161594.html