Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại

Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đề xuất các giải pháp để hoạt động thông quan hàng hóa được diễn ra thông suốt, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước tại Hội nghị Kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới vừa được tổ chức tại Hà Nội. Doanh nghiệp hai bên đã giao lưu, trao đổi, tìm kiếm, tận dụng tối đa cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh sau khi Việt Nam và Trung Quốc vượt qua đại dịch Covid-19 nhằm góp phần đưa quan hệ thương mại Việt - Trung phát triển ngày càng ổn định, cân bằng và bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ký kết dự án hợp tác tại Hội nghị Kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới. Ảnh: Bích Nguyên

Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ký kết dự án hợp tác tại Hội nghị Kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới. Ảnh: Bích Nguyên

Quảng Tây - cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Quảng Tây có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, là địa phương duy nhất của Trung Quốc có cửa khẩu biên giới và hầu hết các loại hình giao thông (đường bộ, đường sông, đường sắt và đường biển) với Việt Nam. Đây là một trong những cửa ngõ quan trọng hàng đầu để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và cũng là một trong những cửa ngõ quan trọng trong hợp tác Trung Quốc - ASEAN.

Các con số thống kê về thương mại cũng đã chứng minh rõ điều này. Trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Quảng Tây của Việt Nam năm 2022 đã lên tới 22,65 tỷ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, chiếm 96% tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: “Việt Nam từ trước đến nay luôn đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và Quảng Tây cũng như chủ trương phối hợp công tác chặt chẽ với Khu ủy, Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Đến nay, hai bên đã thiết lập được các cơ chế hợp tác định kỳ quan trọng, giúp giải quyết kịp thời nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quan hệ thương mại Việt – Trung nói chung và giữa các địa phương Quảng Tây nói riêng. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là việc hai bên đã phối hợp khắc phục thành công tình trạng ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu 2 nước dịp cuối năm 2021, đầu năm 2022 vừa qua”.

Nhấn mạnh lợi thế về địa lý, giao thông, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh cho biết, Quảng Tây và Việt Nam núi sông liền một dải, là láng giềng gần gũi và kết nối bằng đường bộ, đường biển, một đầu mối quan trọng của hành lang mậu dịch đường biển và đường bộ quốc tế, cũng là tiền duyên và cánh cửa mở cửa hợp tác của Trung Quốc với Việt Nam. Năm 2022, tổng mức xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai bên đạt tới hơn 199 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 70% tổng mức XNK giữa Quảng Tây và ASEAN và tuyến đường sắt qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường Trung - Việt đã chạy 2.182 chuyến, tăng 14,6%. “Việt Nam đã liên tiếp 24 năm liền trở thành bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Quảng Tây và tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại song phương to lớn, có tương lai sáng sủa” - ông Lưu Ninh nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có 4 tỉnh tiếp giáp với Quảng Tây là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với nhiều cửa khẩu. Theo ông Lưu Ninh, trong thời gian qua, khi tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới về cơ bản đã được giải quyết, lượng phương tiện thông quan hàng ngày đạt trên 1.800 phương tiện, thương mại nông sản năm qua giữa hai bên đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Các doanh nghiệp Quảng Tây đã tham gia rất nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản của Việt Nam như Hội nghị thúc đẩy xoài của Sơn La, vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương...

Đa dạng hóa giao nhận hàng hóa

Để tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, thúc đẩy, mở rộng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cũng như giao thương kinh tế thương mại giữa hai nước Việt - Trung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương Việt Nam và Quảng Tây quan tâm đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu biên giới, thương mại; khẩn trương khôi phục hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hóa XNK của hai nước.

Trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Quảng Tây năm 2022 đã lên tới 22,65 tỷ USD. Ảnh: Bích Nguyên

Trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Quảng Tây năm 2022 đã lên tới 22,65 tỷ USD. Ảnh: Bích Nguyên

Đồng thời, chú trọng rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính có thể gây phát sinh chi phí do doanh nghiệp, trước mắt là xem xét bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với lái xe nhập cảnh, cấp visa 1 năm cho lái xe tại cửa khẩu. Song song đó, thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng của hai bên về các thay đổi trong chính sách thương mại biên giới cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp tháo gỡ. Phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, giao thương.

“Chú trọng phối hợp thực hiện đa dạng hóa cửa khẩu giao nhận hàng hóa XNK, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản, trái cây, tránh tình trạng tập trung hàng hóa tại một vài cửa khẩu biên giới như hiện nay. Tôi cho rằng, một số cặp cửa khẩu biên giới với Quảng Tây như: Tà Lùng (Cao Bằng) - Thủy Khẩu; Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng cũng có hạ tầng tốt và bảo đảm đủ các điều kiện phục vụ thông quan trái cây, lương thực, thủy sản... sẽ là một sự lựa chọn thay thế rất tốt cho doanh nghiệp hai bên” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Quảng Tây tiếp tục thúc đẩy cơ quan chức năng Trung Quốc mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam, đồng thời, nghiên cứu thí điểm nhập khẩu các loại quả này trong khi chờ cơ quan chức năng chính thức cấp phép.

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nắm vững, bám sát nhu cầu, quy định, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu của thị trường Trung Quốc để xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; xây dựng vùng sản xuất bền vững; thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc để tạo nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Nói về hợp tác thương mại với Việt Nam, Bí thư Lưu Ninh cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng cùng các bên ở Việt Nam triển khai Kế hoạch hành động 3 năm hợp tác kinh tế thương mại Quý Châu - Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung Quốc - Việt Nam, tạo ra hệ thống hậu cần thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên với phạm vi rộng hơn, mức độ sâu hơn".

Bí thư Lưu Ninh thông tin thêm, Quảng Tây sẽ đi sâu hợp tác trong các ngành nghề như thông tin, điện tử, dệt may, năng lượng mới, vật liệu mới và chế biến nông sản, đảm bảo hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi và thúc đẩy sự ổn định của chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề, thúc đẩy hợp tác song phương đạt thành quả ngày càng thiết thực, đóng góp xứng đáng cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt trong thời đại mới.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-trung-quoc-thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-post460304.html