Việt Nam - Trung Quốc: Thúc đẩy phát triển trên nền tảng hữu nghị và hợp tác vững chắc
Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, bởi nó góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, yếu tố quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới với nền tảng hữu nghị và hợp tác vững chắc hơn.
Nền tảng, khuôn khổ tạo sự gắn bó, tin cậy
Trên nền tảng hữu nghị bền chặt do các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp cùng những thành quả đáng khích lệ trong hợp tác thực chất thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc luôn quan tâm thúc đẩy và củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước nhằm tiếp thêm động lực mới, đưa quan hệ Việt - Trung phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Sự gắn bó, tin cậy trong quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc được xây dựng trong khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới, cùng phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Trước hết, hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ tin cậy giữa hai nước. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến điều kiện đi lại còn khó khăn, song hai bên duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Trong 3 năm gần đây, Tổng Bí thư hai Đảng đã 4 lần điện đàm (1-2020, 9-2020, 2-2021, 9-2021). Hàng năm, hai Tổng Bí thư gửi quà và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của hai dân tộc và nhân dịp sinh nhật của nhau; gửi thư chúc mừng nhân dịp lễ quan trọng của hai nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (5-2021); Thủ tướng Chính phủ hai bên 3 lần điện đàm (6-2021, 1-2022 và 9-2022); Chủ tịch Quốc hội hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (6-2021). Những hoạt động này góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và bảo đảm chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai bên cũng đã triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017-2020. Tháng 4-2022, hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025. Hai bên còn thường xuyên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Tính đến nay, hai bên đã tổ chức được 16 cuộc Hội thảo lý luận.
Tính đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác từ trung ương tới địa phương, liên quan gần như tất cả các lĩnh vực, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước. Hợp tác trên kênh Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả, thực chất. Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Đại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành như ngoại giao, quốc phòng, công an không ngừng được tăng cường. Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (11-2006), đến nay đã tiến hành 14 phiên họp, đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Trong 2 phiên gần đây nhất, hai bên đã khắc phục khó khăn do dịch bệnh, tổ chức thành công theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội (9-2021) và Nam Ninh (7-2022).
Thúc đẩy mở rộng điểm tương đồng, xử lý thỏa đáng các khác biệt
Độ tin cậy chính trị được củng cố và tăng cường đã góp phần mở đường cho quan hệ, hợp tác trên các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, đến khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch… phát triển sâu rộng, đi vào thực chất. Tháng 11-2017, hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Kể từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ðến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tám, thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung vẫn tăng 24,6%, đạt 165,9 tỷ USD (theo số liệu của Trung Quốc là hơn 230 tỷ USD, tăng 19,7%). Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam duy trì tăng trưởng qua các năm. Tổng vốn lũy kế đến cuối năm 2021 đạt 21,3 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 10,5 tỷ USD của thời điểm cuối năm 2016. Xét theo tiêu chí năm, trong hai năm 2019 và 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4; năm 2021 vươn lên là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, tăng 7 bậc so với năm 2015.
Sự tin cậy về chính trị còn giúp Việt Nam và Trung Quốc có thể phối hợp, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Hợp tác Á - Âu lần thứ nhất (ASEM), Mekong-Lan Thương. Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ, hợp tác tích cực của Trung Quốc trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến do Trung Quốc đề xướng có lợi cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực; sẵn sàng cùng Trung Quốc và các nước tăng cường trao đổi, đưa ra các chương trình hợp tác thiết thực trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.
Đặc biệt, việc củng cố tin cậy chính trị đã góp phần thúc đẩy mở rộng điểm tương đồng, xử lý thỏa đáng các khác biệt giữa hai nước. Hiện nay, hai nước còn có bất đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn đề trên biển. Lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông. Năm 2011, hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và 3 cơ chế đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.
Ðối với những diễn biến trên biển thời gian qua, Việt Nam một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mặt khác kiên trì thông qua đối thoại để giải quyết bất đồng. Các bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc bộ cùng với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết hòa bình vấn đề Biển Ðông trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc.