Việt Nam tự chủ sản xuất vaccine thú y
Ngày 28-12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn về những thành tựu nghiên cứu và ứng dụng vaccine thú y tại Việt Nam.
Theo ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), hiện Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn GMP-WHO, trong đó có 12 cơ sở chuyên sản xuất vaccine thú y với tổng mức đầu tư từ 30 - 40 triệu USD mỗi nhà máy.
Các doanh nghiệp như Vaksindo, Hanvet, Navetco và Dabaco đã cung ứng cho thị trường 218 loại vaccine nội địa và nhập khẩu thêm 340 loại vaccine khác để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong nước.
Năm 2024, các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng 739 triệu liều vaccine phòng cúm gia cầm, hơn 46 triệu liều vaccine lở mồm long móng, 34 triệu liều vaccine phòng bệnh tai xanh, gần 2 triệu liều vaccine viêm da nổi cục, đặc biệt là 5,9 triệu liều vaccine dịch tả heo châu Phi. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định khả năng tự chủ trong lĩnh vực vaccine thú y của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, mặc dù dịch tả heo châu Phi và một số bệnh trên trâu bò cơ bản đã được kiểm soát, nhưng các dịch bệnh mới trên gia súc, gia cầm và động vật hoang dã vẫn gia tăng.
Tình hình này đòi hỏi sự chú trọng đặc biệt vào công tác tiêm phòng vaccine và kiểm soát dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại tại Việt Nam hiện mới chỉ đạt 60%, trong khi bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục vẫn gia tăng với tỷ lệ tiêm phòng chưa đáp ứng yêu cầu.
Riêng với dịch tả heo châu Phi, Việt Nam đã xuất khẩu thành công vaccine AVAC ASF LIVE sang 5 quốc gia, đánh dấu cột mốc quan trọng. Đặc biệt, các công ty như AVAC và Navetco không chỉ cung ứng hàng triệu liều vaccine trong nước mà còn xuất khẩu, khẳng định uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam không ngừng hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và nghiên cứu các loại vaccine thế hệ mới. Các đơn vị nghiên cứu như Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Thú y đã triển khai giám sát virus, phân tích gen và chọn lựa chủng giống phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả của vaccine nội địa.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã sản xuất thành công các loại vaccine quan trọng như Navet-Vifluvac (phòng cúm gia cầm), vaccine tai xanh, gần đây là vaccine phòng dịch tả heo châu Phi.
Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, ngành chăn nuôi và thú y đã sẵn sàng ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển các loại vaccine mới, đảm bảo an ninh dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong kiểm soát dịch bệnh lây lan qua đường biên giới, việc gia tăng trao đổi thương mại giữa các quốc gia đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh mới bùng phát. Để ứng phó, các chuyên gia khuyến nghị tăng cường hợp tác giữa các chi cục thú y, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, việc sử dụng vaccine đóng vai trò then chốt trong ngăn chặn dịch bệnh, không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế mà còn giảm thiểu tình trạng lạm dụng kháng sinh, qua đó ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh - một vấn đề cấp bách trên toàn cầu.
Đề cập những mục tiêu dài hạn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy khẳng định, Việt Nam có tiềm năng trong việc sản xuất và xuất khẩu các loại vaccine mới. Với sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, Việt Nam không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu nội địa mà còn nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi toàn cầu.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-tu-chu-san-xuat-vaccine-thu-y-post775286.html