Tại triển lãm trình diễn các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam vừa diễn ra tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông, gian hàng các thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất thu hút sự chú ý lớn từ những người tham dự triển lãm.
Một trong những sản phẩm nổi bật là mẫu trạm BTS 5G do Viettel sản xuất. Nhà mạng này đã phát triển và triển khai ngoài thực tế khoảng 80% thiết bị phần tử mạng 4G. Với 5G, Viettel sẽ phát triển mạng 5G bao gồm cả các thiết bị mạng lõi 5G và mạng truy cập vô tuyến. Hiện Viettel cũng đang sở hữu 8 công nghệ lõi trong việc phát triển các thiết bị mạng 5G.
Hồi đầu năm 2020, Viettel đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G bằng chính thiết bị này. Đây là lần đầu tiên một cuộc gọi 5G được thực hiện bằng thiết bị Made in Vietnam.
Mục tiêu của Viettel là đến năm 2020 có thể triển khai các microcell (tế bào vi mô mạng) trên mạng lưới và hoàn thành Core 5G NSA EN-DC. Tiếp đó là triển khai các macrocell (tế bào vĩ mô mạng) và hoàn thành Core 5G SA.
Đáng chú ý khi không chỉ Viettel, Vsmart cũng đã "trình làng" mẫu trạm BTS 5G đầu tiên do hãng này tự sản xuất. Đây được xem là kỳ tích đối với một nhà sản xuất mới chân ướt chân ráo tham gia vào lĩnh vực viễn thông.
Dù chỉ vừa mới thành lập năm 2018, Vsmart đã xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. Việc thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G của nhà sản xuất này dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 8/2020.
Mẫu điện thoại có tên Vsmart Aris 5G này hiện có thể hỗ trợ được mạng 5G băng tần Sub 6GHz. Thử nghiệm của Cục Viễn thông trên Aris 5G cho thấy, tốc độ 5G trên mẫu điện thoại này cao gấp 8 lần so với tốc độ 4G.
Bên cạnh mảng thiết bị viễn thông, nhà sản xuất này cũng đang bắt tay vào sản xuất những chiếc điện thoại 5G đầu tiên. Đây là mẫu thiết bị đầu cuối đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có khả năng tương thích với hạ tầng sóng 5G.
Sự ra đời của thiết bị đầu cuối 5G đầu tiên do Việt Nam sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là mảnh ghép còn thiếu của hệ sinh thái 5G trong bối cảnh mạng di động 5G sắp được thương mại hóa tại thị trường Việt Nam.
Khi kết hợp thử nghiệm với thiết bị mạng 5G Viettel ngay tại trụ sở Bộ TT&TT, kết quả cho thấy tốc độ tải đường xuống ghi nhận trên Aris đạt khoảng hơn 400 Mbps. Cả điện thoại và thiết bị mạng đều đang trong quá trình thử nghiệm, do đó tốc độ 5G chắc chắn sẽ còn được cải thiện hơn nữa trong tương lai.
Với sự xuất hiện của cả thiết bị mạng lẫn thiết bị đầu cuối 5G Make in Vietnam, có thể thấy các doanh nghiệp trong nước đang dần làm chủ những công nghệ tân tiến nhất của ngành viễn thông thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về công nghiệp ICT.
Trọng Đạt