Việt Nam tụt bậc trên bảng xếp hạng đại học trẻ năm 2024
Times Higher Education (THE) mới đây công bố bảng xếp hạng đại học trẻ tốt nhất trên thế giới năm 2024. 4/5 trường của Việt Nam lọt vào danh sách nhưng tụt hạng so với các năm trước.
Bốn trường của Việt Nam được xếp hạng bao gồm Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ngoài 4 đại diện trên, Đại học Mở TP.HCM cũng lọt vào bảng xếp hạng nhưng ở trạng thái "reporter" (các trường đã báo cáo). Nghĩa là trường này cung cấp đủ dữ liệu cho THE nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện để được xếp hạng.
So với năm 2022 và 2023, thứ hạng của các trường có sự thay đổi, liên tiếp tụt bậc. Đại học Tôn Đức Thắng từng được xếp hạng 98 vào năm 2022, nhóm 101-150 năm 2023 nhưng năm nay chỉ xếp thứ 179.
Đại học Duy Tân tụt xuống nhóm 201-250 dù trước đó xếp hạng 122 năm 2022 và ở nhóm 101-150 vào năm 2023.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tụt từ hạng 301-350 năm 2022 và 351-400 năm 2023 xuống hạng 401-500.
Đại học Quốc gia TP.HCM giữ nguyên thứ hạng 501-600 so với năm 2023 (nhóm 501+). Tuy nhiên, so với năm 2022 được xếp vào nhóm 401+, trường này đã tụt hạng.
Đây là năm thứ 5 Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng đại học trẻ và là năm thứ 3 có đến 4 đại diện lọt top. Trước đó, năm 2020, Đại học Quốc gia TP.HCM là trường duy nhất được xếp hạng với vị trí 351-400.
Xếp hạng đại học trẻ của Times Higher Education được đặt ra nhằm đánh giá các trường có tuổi đời chưa đến 50 năm. Năm 2024, xếp hạng có sự góp mặt của 673 cơ sở giáo dục đại học (tăng 68 trường) đến từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, 499 tổ chức khác được liệt kê với trạng thái “báo cáo”.
Năm 2024, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng, giữ nguyên thứ hạng so với năm ngoái. Tiếp đó là Đại học Paris Sciences et Lettres (Pháp).
Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) trượt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 3, và Đại học Bách khoa Hong Kong từ thứ 4 xuống thứ 7.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nhiều đại diện lọt top nhất, với 58 trường, tiếp theo là Ấn Độ với 55 trường và Iran với 46 trường.
So với năm ngoái, THE đã tăng từ 13 sang 18 chỉ số hiệu suất đánh giá, nhóm lại theo 5 lĩnh vực giống với xếp hạng đại học hàng đầu thế giới, bao gồm:
Giảng dạy (môi trường học tập) chiếm 29,5% trọng số;
Môi trường nghiên cứu (số lượng, nguồn thu và danh tiếng) chiếm 29%;
Chất lượng nghiên cứu (tác động trích dẫn, năng lực nghiên cứu, xuất sắc nghiên cứu và ảnh hưởng nghiên cứu) chiếm 30%;
Triển vọng quốc tế (giảng viên, sinh viên và nghiên cứu) chiếm 7,5%;
Chuyển giao tri thức (thu nhập và bằng sáng chế) chiếm 10%.