Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác, liên kết kinh tế khu vực
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác 'Vành đai và Con đường' (BRI) lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc thể hiện Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có BRI.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn BRI từ ngày 25 đến 27/4/2019.
Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, Diễn đàn lần này có sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, trong đó lãnh đạo của hơn 90 tổ chức quốc tế và quan khách từ hơn 190 nước. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 36 quốc gia, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế...
Dự kiến, vào ngày 25/4, có 12 Diễn đàn chuyên đề được tổ chức với các chủ đề gồm Cộng hưởng chính sách, Kết nối cơ sở hạ tầng, Thương mại, Tài chính, Đổi mới sáng tạo, Giao lưu nhân dân, Đối thoại giữa các viện nghiên cứu, Đối thoại chính quyền địa phương, Khu hợp tác kinh tế và thương mại, Con đường dẫn tới chính trực (chống tham nhũng), Con đường tơ lụa xanh, Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Cùng ngày cũng sẽ diễn ra Diễn đàn CEO Vành đai và Con đường với sự tham gia của khoảng 800 lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Phiên Khai mạc Diễn đàn và Cuộc họp cao cấp Vành đai và Con đường sẽ diễn ra ngày 26/4 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao một số nước. Hội nghị Bàn tròn Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì với sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của hơn 35 quốc gia.
Được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013), BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI.
Trong khuôn khổ BRI, Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính: Kết nối chính sách; kết nối cơ sở hạ tầng; kết nối thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại; kết nối tài chính - tiền tệ; kết nối con người.
Đến nay, đã có 150 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết các thỏa thuận hợp tác liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó có việc tăng cường cộng hưởng giữa các sáng kiến liên kết kinh tế ở phạm vi quốc gia và khu vực với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất, lãnh đạo cấp cao 29 quốc gia đã thống nhất về các nguyện tắc chính của hợp tác “Vành đai và Con đường”.
Những nguyên tắc định hướng hợp tác trên cơ sở phù hợp với luật pháp và chính sách của mỗi nước, bao gồm: Nguyên tắc tham vấn trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; xây dựng kế hoạch hợp tác và thúc đẩy các dự án hợp tác thông qua tham vấn. Nguyên tắc cùng có lợi, tìm kiếm điểm đồng lợi ích và nền tảng hợp tác rộng nhất, có tính đến các quan điểm khác nhau của các bên liên quan.
Việt Nam và sáng kiến “Vành đai và Con đường”
Tăng cường liên kết kinh tế, kết nối trên nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, kinh tế, khoa học - công nghệ đến văn hóa xã hội, giao lưu nhân dân là xu thế chung của khu vực và trên thế giới. Bên cạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trên thế giới hiện nay có rất nhiều khuôn khổ hợp tác, sáng kiến nhằm thúc đẩy liên kết, kết nối giữa các quốc gia và khu vực, nổi bật như Kế hoạch kết nối APEC giai đoạn 2015 - 2025, Nhóm tiên phong về kết nối ASEM, Chiến lược EU về kết nối châu Âu và châu Á, Liên minh kinh tế Á - Âu, Quan hệ đối tác Á - Âu, Liên minh Kết nối cơ sở hạ tầng toàn cầu…
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều cơ chế hợp tác thuộc nhiều tầng nấc từ hợp tác tiểu vùng, khu vực, cho tới liên khu vực và toàn cầu như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN và các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong. Việt Nam cũng tham gia vào việc hình thành các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Việc triển khai các sáng kiến trong “Vành đai và Con đường” phải bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.
Tháng 5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về sáng kiến “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất và có phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm của Việt Nam về các nguyên tắc mà hợp tác cần bảo đảm để đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới. Tháng 11/2017, nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai nước đã ký Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Hai bên đang trong quá trình thảo luận để xây dựng kế hoạch chung về thực hiện Bản ghi nhớ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ hai trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định và đạt những tiến triển mới, tích cực. Chuyến tham dự tiếp tục thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta với phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.