Việt Nam ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý các công ty liên quan
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý từ các công ty sản xuất hóa chất này cho Mỹ trong thời chiến tranh ở Việt Nam.
Tại họp báo thường kỳ ngày 4/2 theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi liên quan đến việc bà Trần Tố Nga (78 tuổi, người Pháp gốc Việt) được một tòa án tại Pháp chấp thuận xét xử vụ kiện cáo buộc 14 công ty bán chất độc da cam đã gây ra tổn hại đau đớn cho bà và các con, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, “Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý với các công ty hóa chất và sản xuất thương mại hóa chất, chất độc da cam dioxin của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam”.
“Việt Nam cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục các hậu quả do chất độc da cam dioxin gây ra ở Việt Nam”, bà Hằng nói thêm.
Năm 2009, bà Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris. Sau đó, được sự ủng hộ và đồng hành của luật sư William Bourdon và ông André Bouny, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2013, Quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp. Tháng 5/2013, đơn của bà Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ được Tòa đại hình Évry chấp thuận.
Tháng 4/2014, bà Nga nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách ra tòa của 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sau 19 phiên thủ tục, thẩm phán đã quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10/2020, rồi hoãn tới ngày 25/1/2021.
Như vậy, sau 6 năm và 19 phiên thủ tục, phiên tòa chính thức đã bắt đầu hôm 25/1. Đây là phiên tranh tụng đầu tiên về việc người phụ nữ này đã khởi kiện chống lại 14 công ty hóa chất Mỹ (ban đầu là 26 công ty, sau đó có 12 công ty đã không còn hoạt động) đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam.
Vụ kiện thu hút sự quan tâm của dư luận tại Pháp, vì người kiện là một cá nhân kiện các tập đoàn đa quốc gia đã sản xuất hóa chất gây ra sự tàn phá đối với thiên nhiên và tổn thương sức khỏe cũng như tinh thần của con người.
Các luật sư và những người ủng hộ vụ kiện này ở Pháp cho rằng đây mới là bước khởi đầu của một giai đoạn đầy gian khó nhưng sẽ quyết tâm đòi công lý cho bà Nga cũng như hàng triệu nạn nhân khác ở Việt Nam.