Việt Nam và Belarus phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với độ tin cậy ngày càng cao
Nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 6 - 9/12 tới của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko, phóng viên TTXVN tại khu vực Đông Âu đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Belarus Nguyễn Văn Ngự về những thành tựu, triển vọng trong quan hệ hai nước và những kỳ vọng vào chuyến thăm.
Khái quát về mối quan hệ giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Belarus có cội nguồn từ thời Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Belarus vào các năm 1957 và năm 1961. Các chuyến thăm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh dấu những bước phát triển rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, rất nhiều cán bộ, chuyên gia Belarus trong đội ngũ chuyên gia, cán bộ của Liên Xô đã sang giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn với Việt Nam. Nhiều người trong số đó thậm chí đã để lại một phần xương máu trên mảnh đất Việt Nam. Trong quá trình xây dựng đất nước, Belarus cũng giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ và nhân dân Belarus cũng đã hỗ trợ Việt Nam nhiều thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch khi đại dịch đang ở đỉnh điểm. Đại sứ Nguyễn Văn Ngự khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những sự giúp đỡ quý báu này.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Ngự, Việt Nam và Belarus đã thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 30 năm, từ ngày 24/1/1992. Hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Nhân dân hai nước đều là những người yêu chuộng hòa bình, cần cù lao động, có ý chí vươn lênh mạnh mẽ, giàu lòng hiếu khách. Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam và Belarus đã và đang duy trì phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với độ tin cậy ngày càng cao. Vào giai đoạn trước đại dịch COVID-19, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao. Từ năm 2014, các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đã sang thăm Belarus. Phía Belarus cũng có những đoàn cấp cao của chính phủ sang thăm Việt Nam vào các năm 2018, 2019. Các chuyến thăm cấp cao này đã tạo nền tảng cho việc vun đắp và phát triển mối quan hệ gắn bó giữa hai nước vốn đã được thử thách qua thời gian.
Về tình hình hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cho biết hai bên đang hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực từ quốc phòng cho đến kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương… Hai nước đã hình thành cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực với khoảng 50 văn kiện hợp tác gồm các điều ước quốc tế cũng như thỏa thuận giữa các bộ, các ngành. Về phía địa phương, khoảng 10 địa phương cấp tỉnh của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 6/7 địa phương cấp tỉnh của Belarus.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam và Belarus có lập trường cơ bản tương đồng và thường xuyên tham vấn lẫn nhau trên các diễn đàn và cơ chế đa phương. Việt Nam hiện đã thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), mà Belarus là một thành viên. Điều này tạo thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Mặc dù vậy, Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cho rằng hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Ngự, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Belarus, coi Belarus là đối tác quan trọng trong khu vực và mong muốn quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, vì lợi ích của cả hai dân tộc.
Đánh giá những triển vọng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cho rằng tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Belarus vẫn còn rất lớn. Việt Nam thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là người bạn tốt, là đối tác tin cậy. Về kinh tế, thương mại, hai nước vẫn chưa khai thác hết những lợi thế, thế mạnh của nhau.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Ngự, các mặt hàng chủ đạo của hai nước đều mang tính bổ trợ cho nhau, không mang tính cạnh tranh. Việt Nam có rất nhiều mặt hàng có thế mạnh như gạo, cà phê, chè, hải sản, hàng dệt may đã được biết đến rất nhiều trên thế giới. Trong khi đó, Belrus có những mặt hàng, sản phẩm rất nổi tiếng như phân kali, máy móc nông nghiệp, sản phẩm thịt, sữa… và nhiều mặt hàng có chất lượng khác. Trong hợp tác về khoa học và công nghệ, hai nước vẫn còn nhiều mảng có thể thúc đẩy.
Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko, các bộ ngành liên quan đang nỗ lực thúc đẩy để hoàn thiện việc ký kết văn kiện hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cũng cho rằng trong thời gian tới có thể thu được kết quả từ hợp tác về du lịch. Hiện khách du lịch Belarus sang Việt Nam đông hơn khách du lịch Việt Nam sang Belarus, do điều kiện địa lý xa xôi, cũng như khó khăn về vận tải hàng không. Tuy nhiên, để góp phần tháo gỡ, hai nước đang tích cực thảo luận để ký hiệp định cho phép miễn thị thực cho công dân hai nước. Việc hiệp định này được ký kết sẽ tạo điều kiện cho công dân cả hai nước sang nhau du lịch, cũng như kết nối làm ăn, kinh doanh.
Đại sứ Nguyễn Văn Ngự bày tỏ hy vọng chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Belarus sẽ tạo ra xung lực mới cho việc củng cố và tăng cường quan hệ song phương, bởi thông qua những chuyến thăm như vậy, hai bên sẽ rà soát đánh giá tiến trình hợp tác vừa qua và thảo luận tìm ra những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Đại sứ Nguyễn Văn Ngự cũng mong muốn sau chuyến thăm rất có nghĩa này, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước sẽ chủ động hơn, tích cực hơn, tìm đến nhau nhiều hơn, hiểu biết hơn tiềm năng của nhau, có những đề án, hợp đồng để hiện thực hóa tiềm năng hợp tác.