Việt Nam và Brunei: Cửa ngõ quan trọng kết nối 2 tiểu vùng Mekong - BIMP EAGA
Việt Nam và Brunei đóng vai trò cửa ngõ quan trọng giúp kết nối hợp tác cũng như du lịch giữa 2 tiểu vùng Mekong và BIMP - EAGA. Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Anh Vũ tại hội thảo 'Thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam - Brunei và các tiểu vùng Mekong - BIMP EAGA' diễn ra ngày 6/11 tại Brunei Darussalam.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Anh Vũ nhận định xu hướng gia tăng khách du lịch từ các nước châu Á, sự quan tâm ngày càng cao của du khách đối với hoạt động du lịch bền vững, du lịch sinh thái và tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp Halal vừa là cơ hội, vừa là lợi thế để Việt Nam, Brunei cùng các nước Mekong và BIMP - EAGA (gồm có Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines) đẩy mạnh hợp tác, kết nối du lịch, biến những lợi thế này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Đại sứ Trần Anh Vũ kỳ vọng năm 2025 sẽ chứng kiến bước phát triển mới trong hợp tác du lịch giữa Việt Nam với Brunei và các nước tiểu vùng BIMP - EAGA có dân số gần 400 triệu người với nguồn khách Hồi giáo đông đảo.
Với vị trí địa lý thuận lợi và đường bay thẳng giữa hai nước, Việt Nam và Brunei có thể đóng vai trò cửa ngõ du lịch giữa 2 tiểu vùng Mekong và BIMP - EAGA. Đây cũng là ý tưởng được các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp Brunei quan tâm chia sẻ. Các đối tác, doanh nghiệp Brunei và Malaysia đánh giá cao tiềm năng hợp tác, kết nối du lịch với Việt Nam, hoan nghênh các chính sách được Chính phủ Việt Nam triển khai thời gian qua như áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, tăng cường kết nối hàng không, thúc đẩy du lịch Halal thông qua phát triển các dịch vụ Halal như nhà hàng, khách sạn, địa điểm cầu nguyện…
Chia sẻ tại hội thảo, bà Salinah Binti Haji Mohd Salleh, Vụ trưởng Vụ Phát triển Du lịch, Bộ Tài nguyên và Du lịch Brunei nhấn mạnh Brunei chủ trương thu hút khách du lịch có chọn lọc, hướng vào chất lượng và tính bền vững, trong đó Việt Nam là đối tác tiềm năng. Bà Salinah cho biết lượng khách du lịch từ Việt Nam tới Brunei đang trong xu hướng phục hồi sau đại dịch, đạt khoảng 4.000 khách trong 9 tháng đầu năm 2024.
Theo bà Salinah, Bộ Tài nguyên và Du lịch Brunei xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên trong năm 2025 và sẽ phối hợp với Đại sứ quán và các đối tác quảng bá du lịch thông qua các biện pháp truyền thông sáng tạo, các gói du lịch trải nghiệm thực tế về văn hóa Hồi giáo. Bộ Tài nguyên và Du lịch Brunei cũng có kế hoạch hợp tác với một số cá nhân người Việt Nam có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá du lịch Brunei thời gian tới.
Du lịch là lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và các nước Brunei, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trong 9 tháng đầu năm 2024, khách du lịch từ các nước châu Á tới Việt Nam tăng trưởng khả quan, trong đó bao gồm hơn 300.000 khách du lịch Malaysia và hơn 130.000 khách du lịch Indonesia.)
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp du lịch Brunei quan tâm khả năng hợp tác, kết nối với các công ty du lịch và lữ hành Việt Nam khai thác các tuyến du lịch tiềm năng. Văn phòng Thương mại và Du lịch bang Sarawak tại Brunei cho biết tuy lượng khách Việt Nam tới bang Sarawak và lượng khách từ bang Sarawak sang Việt Nam còn hạn chế song Sarawak đánh giá cao tiềm năng hợp tác du lịch, mong muốn đẩy mạnh quảng bá, kết nối du lịch với Việt Nam và các đối tác tiểu vùng Mekong. Theo đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi một số biện pháp nhằm quảng bá, kết nối du lịch theo hướng thực chất trong năm 2025 và thời gian tới.
Về hợp tác du lịch song phương giữa Việt Nam và Brunei, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Brunei của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (2/2023), 2 Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện song phương giai đoạn 2023 - 2027, xác định du lịch và giao lưu nhân dân là lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Hiện hãng Hàng không quốc gia Brunei vận hành 6 chuyến bay hàng tuần kết nối trực tiếp Brunei và TP. Hồ Chí Minh với lượng hành khách năm 2023 đạt hơn 12.000 người.