Việt Nam và HĐBA: Việt Nam đề cao bảo vệ dân thường trước nạn đói do xung đột
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 11/3, Mỹ - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) trong tháng 4/2021 - đã tổ chức phiên thảo luận mở trực tuyến về bảo vệ thường dân trước nạn đói do xung đột.
Tổng thư ký LHQ António Guterres, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley và đại diện phi chính phủ đã tham dự, báo cáo tại cuộc họp.
Tổng thư ký LHQ Guterres cho rằng nguyên nhân gây ra nạn đói hiện nay không thuần túy do thiếu lương thực mà còn do con người gây ra, nhất là ở các khu vực có xung đột kéo dài. Tình trạng biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 thời gian qua càng khiến cho tình hình trầm trọng thêm. Theo thống kê, đến cuối năm 2020 trên thế giới có tới hơn 88 triệu người thiếu lương thực cấp do xung đột và bất ổn, tăng 20% so với năm 2019. Hơn 30 triệu người đứng bên bờ vực nạn đói và đi cùng với đó là tình trạng suy dinh dưỡng. Những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tình trạng này là Sahel, vùng sừng châu Phi, Nam Sudan, Yemen và Afghanistan.
Tổng thư ký Guterres kêu gọi các nước thống nhất hành động và tăng cường cứu trợ nhân đạo, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng các nhân viên cứu trợ nhân đạo bị tấn công mà vụ việc Đại sứ Italy tại CHDC Conggo Moustapha Milambo bị thiệt mạng là một ví dụ. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cho biết ông đã thành lập Nhóm đặc trách cấp cao về ngăn ngừa nạn đói và sẽ đưa vấn đề chuyển đổi hệ thống lương thực bao trùm, bền vững và tự cường hơn thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực.
Giám đốc WFP Beasley nhắc lại cảnh báo về nguy cơ xảy ra “đại dịch đói” bên cạnh “đại dịch COVID-19”. Ông nhấn mạnh trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các thảm họa này, đồng thời cung cấp thông tin về tình trạng người dân đang đứng trước nạn đói ở Yemen, Syria và CHDC Congo.
Phát biểu tại cuộc họp, các nước thành viên HĐBA kêu gọi các bên xung đột tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo nhanh chóng tiếp cận người dân mà không bị cản trở; tăng cường cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo. Các nước khẳng định phát triển bền vững, giải quyết và chấm dứt xung đột phải là giải pháp toàn diện, lâu dài.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định HĐBA cần tăng cường nỗ lực để giải quyết nạn đói do xung đột. Đại sứ kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực và các nhà tài trợ duy trì đóng góp cho các chương trình cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ các nước tăng năng lực bảo vệ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và xây dựng hệ thống lương thực bền vững giúp người dân có thể tiếp cận lương thực an toàn và đủ dinh dưỡng. Đại sứ cho rằng LHQ cần có giải pháp tổng thể, trong đó tập trung ngăn ngừa, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững; khắc phục các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy vai trò của tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và giải quyết xung đột trong khu vực.
Tại Nghị quyết 2417 (2017), HĐBA khẳng định xung đột vũ trang, bạo lực là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói. Từ đầu năm 2020, HĐBA đã tổ chức hai cuộc họp xem xét về nguy cơ gây ra nạn đói do xung đột ở một số nước như Yemen, Nam Sudan, Nigeria, CHDC Congo, Somalia, Tigray và Afghanistan.