Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Trong khó khăn, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao đa phương càng đậm nét hơn
Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã khép lại thành công rực rỡ, và chúng ta sẽ hoàn thành nốt nhiệm kỳ 2020-2021 với dấu ấn và bản sắc Việt Nam đậm nét.
Khởi đầu ấn tượng
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ HĐBA, Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ với sự chủ động và tích cực trong các hoạt động của HĐBA.
Việt Nam đã thể hiện vai trò “nòng cốt, dẫn dắt” đúng như tinh thần của Chị thị 25 về nâng tầm đối ngoại đa phương, với hàng loạt các sáng kiến ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là Phiên thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, Phiên họp lần đầu tiên của HĐBA về chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực: Vai trò của ASEAN”.
Đáng chú ý, các sáng kiến của Việt Nam còn vượt ra ngoài khuôn khổ HĐBA, ghi đậm dấu ấn với bạn bè quốc tế, trong đó phải kể đến Hội nghị quốc tế về “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả” (12/2020) với sự tham dự của gần 90 quốc gia và gần 500 đại biểu.
Bên cạnh đó, đóng góp của Việt Nam còn thể hiện ở sự tích cực, trách nhiệm và bản lĩnh trong xử lý các vấn đề an ninh quốc tế. Bản sắc Việt Nam được thể hiện rõ nét với hình ảnh một đất nước kiên trì với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhưng cũng rất thiện chí trong thúc đẩy đối thoại để xử lý các bất đồng và luôn sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm của chính mình trong tái thiết đất nước sau chiến tranh và hội nhập quốc tế.
Ngọc càng mài càng sáng
Việt Nam bước vào nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực (UV KTT) HĐBA LHQ 2020-2021 với cả thuận lợi và thách thức.
Thuận lợi của Việt Nam có được từ chính vị thế và uy tín của đất nước, cũng như sự thành công của công cuộc đổi mới của Việt Nam. Đó còn là sự thuận lợi từ chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự đổi mới tư duy về đối ngoại đa phương với sự ủng hộ, nhất trí của các cấp, các ngành về việc Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò tại các cơ chế đa phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một đội ngũ cán bộ làm công tác đa phương thiện chiến, được đào tạo bài bản, năng động và giàu ý tưởng sáng tạo, như đã được chứng minh trong năm đầu nhiệm kỳ tại HĐBA và đặc biệt trong tháng 4/2021 khi Việt Nam đảm đương Chủ tịch HĐBA lần thứ hai trong nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đương đầu với không ít khó khăn và thách thức, trước hết là việc làm sao để xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và người dân Việt Nam. Trong khi đó, bối cảnh môi trường an ninh quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, với sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, hay sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn với các cơ chế đa phương.
Đặc biệt, đại dịch Covid19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có với ngoại giao đa phương nói chung, với LHQ, các quốc gia thành viên và với hoạt động của HĐBA nói riêng. Hầu hết các cuộc họp đều diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Các cuộc đàm phán, thương lượng, tiếp xúc khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không thể tổ chức các đoàn từ trong nước đến New York hay tổ chức các sự kiện lớn tại trụ sở LHQ như thông lệ…
Những khó khăn này chắc chắn nhân lên gấp bội khi Việt Nam đảm đương vai trò Chủ tịch trong tháng 4/2021. Các cán bộ ở Phái đoàn Việt Nam ở New York và ở Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao chắc hẳn đã trải qua những ngày tháng đặc biệt bận rộn trong tháng 4, không chỉ vì việc điều phối, điều hành một chương trình nghị sự dày đặc, mà còn vì tính phức tạp trong hàng loạt các vấn đề phản ánh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hay các vấn đề liên quan đến khu vực của chúng ta.
Như ngọc càng mài càng sáng, cũng chính trong khó khăn, chúng ta càng thấy rõ hơn bản lĩnh và bản sắc của ngoại giao đa phương Việt Nam.
Thật tự hào khi dù chỉ là một nước Ủy viên không thường trực với nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy HĐBA thông qua số lượng sáng kiến kỷ lục trong tháng 4 vừa qua, trong đó có các văn kiện về tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững.
Đặc biệt, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy thông qua Nghị quyết đầu tiên của HĐBA về bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang. Đây đều là các sáng kiến rất có ý nghĩa và nhận được ủng hộ rộng rãi của các thành viên LHQ và cộng đồng quốc tế.
Ghi dấu ấn và bản sắc Việt Nam
Tôi có may mắn được công tác tại Phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở New York khi Việt Nam lần đầu tiên đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Đó thực sự là một trường học vô cùng quan trọng với cá nhân tôi khi được Lãnh đạo Phái đoàn hướng dẫn tận tình và cho cơ hội để học hỏi, rèn luyện và vươn lên.
Tôi rất nhớ không khí đi thương lượng, đi họp HĐBA và làm việc thâu đêm chuẩn bị bài phát biểu, làm tin, làm báo cáo khi đó. Kỷ niệm nhớ nhất với tôi là việc được Lãnh đạo Phái đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ chuẩn bị ý tưởng, sáng kiến cho tháng Chủ tịch của Việt Nam vào tháng 10/2009.
Khi đó, Việt Nam đã giới thiệu và thông qua lần đầu tiên Nghị quyết S.1889 của HĐBA về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột. Đó cũng là một sáng kiến xuất phát từ chính thực tiễn của Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Tại Hội nghị quốc tế vừa qua về “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả”, tôi thực sự xúc động khi được nghe một số diễn giả quốc tế đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi đó.
Đó chỉ là một ví dụ trong những kết quả tích cực chúng ta đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐBA. Bạn bè quốc tế đã có rất nhiều đánh giá tích cực về những đóng góp của Việt Nam tại HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, kể cả nhiều năm về sau.
Thành công của nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐBA là nền tảng quan trọng để chúng ta phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương. Sau nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐBA, Việt Nam đã liên tục ứng cử và đảm nhiệm thành công vai trò tại hàng loạt các cơ chế khác của LHQ, trong đó có nhiệm kỳ tại Hội đồng nhân quyền (2014-2016) với các sáng kiến về biến đổi khí hậu và quyền con người, tại ECOSOC (2016-2018) và tiếp đó là nhiệm kỳ tại HĐBA 2020-2021.
Lần này, chúng ta tham gia HĐBA với tâm thế khác và rõ ràng là với những kỳ vọng khác cách đây một thập kỷ.
Tháng Chủ tịch HĐBA đã khép lại thành công rực rỡ, và tôi tin tưởng chúng ta sẽ hoàn thành nốt nhiệm kỳ tại HĐBA với dấu ấn và bản sắc Việt Nam đậm nét. Việt Nam đã và đang thể hiện rõ vai trò của một thành viên có trách nhiệm, xứng đáng với số phiếu gần như tuyệt đối mà các nước tin tưởng khi bầu chúng ta vào HĐBA.
Đây sẽ là một nhiệm kỳ đánh dấu bước trưởng thành mới của ngoại giao đa phương của Việt Nam. Từ đây, chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là tại LHQ, bảo vệ lợi ích của đất nước và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Hoàng Thị Thanh Nga, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, nguyên cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại LHQ trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ năm 2008-2009.