Việt Nam và Indonesia đẩy mạnh hợp tác năng lượng và kinh tế số
Hai nước cần chuyển đổi hợp tác kinh tế từ quan hệ đối tác thương mại thông thường sang hợp tác sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bằng bản lĩnh và quyết tâm, cả Indonesia và Việt Nam đều làm khá tốt việc duy trì ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Tại Indonesia, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức tăng ước đạt 5% năm 2023. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, từ 32 tỷ USD năm 2021 và 33,4 tỷ USD năm 2022, lên 37 tỷ USD vào năm 2023. Bất chấp sự suy giảm của thương mại toàn cầu, Indonesia vẫn duy trì thặng dư thương mại trong 4 năm liên tiếp, đạt 36,9 tỷ USD trong năm 2023.
Việt Nam cũng tiếp tục xu hướng tăng trưởng kinh tế vượt trội, với mức tăng trưởng 5,05% trong năm 2023. Niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam vẫn mạnh mẽ nhờ sự ổn định chính trị và môi trường kinh doanh tốt - thể hiện qua thu hút vốn FDI. Đến cuối năm 2023, tổng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt 23,28 tỷ USD.
Trong năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tiếp tục vượt mục tiêu 10 tỷ USD, đạt 13,8 tỷ USD.
Năm 2023 cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Indonesia và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Những thành tựu trên mở ra triển vọng đầy hứa hẹn trong quan hệ song phương giữa hai nước. Đặc biệt, hai nước chào đón năm 2024 bằng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joko Widodo theo lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Trong các cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Widodo đã thảo luận về việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Indonesia - Việt Nam lên tầm cao hơn, đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt trên 15 tỷ USD vào năm 2028, hướng tới tầm nhìn trở thành hai nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Widodo, hai bên đã hoàn tất Bản ghi nhớ về nghề cá và Bản ghi nhớ về công nghệ thông tin - truyền thông. Một số thỏa thuận giữa các doanh nghiệp cũng đã được thống nhất trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Tổng thống Widodo cũng đồng chủ trì đối thoại doanh nghiệp cấp cao với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các CEO được lựa chọn từ Indonesia và Việt Nam để thảo luận về hợp tác phát triển kinh tế tri thức, đồng thời giới thiệu các cam kết đầu tư, triển vọng và thách thức giữa hai nước.
Trong những năm tới, hợp tác trong các lĩnh vực trên sẽ ngày càng quan trọng nhằm tăng cường thương mại và đầu tư song phương. Là những nền kinh tế đang phát triển, Indonesia và Việt Nam có những điểm rất giống nhau, như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có tiềm năng to lớn về nhân lực và tài nguyên thiên nhiên.
Để biến những lợi thế đó thành lợi ích cụ thể, điều cơ bản là phải hợp tác phát triển và kết nối các nguồn lực. Theo đó, cần thúc đẩy đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để tận dụng nguồn nhân lực của hai nước, cũng như thúc đẩy đầu tư phát triển chuỗi cung ứng khu vực.
Để đạt được điều này, Indonesia và Việt Nam cần chuyển đổi hợp tác kinh tế từ quan hệ đối tác thương mại thông thường sang hợp tác sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chẳng hạn, Indonesia và Việt Nam đã chú ý nhiều đến phát triển xe điện. Đương nhiên, là các nước đang phát triển và láng giềng, việc phát triển xe điện có thể dẫn đến cạnh tranh. Thay vào đó, sự cạnh tranh này nên được chuyển đổi thành hợp tác.
Cụ thể, Việt Nam, thông qua VinFast, đã khẳng định mình là nhà sản xuất xe điện toàn cầu. Trong khi đó, Indonesia có tất cả các yếu tố cần thiết để trở thành nhà sản xuất pin toàn cầu. Thông qua hợp tác, hai nước có thể phát triển chuỗi cung ứng khu vực cho xe điện. Chiến lược này có thể được nhân rộng sang các lĩnh vực ưu tiên khác.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, phát triển kinh tế không được gây tổn hại đến tính bền vững. Indonesia và Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Sự phụ thuộc vào năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch có thể là trở ngại cho sự phát triển nếu không được giải quyết một cách hiệu quả.
Hai nước hiện cũng là đối tác của Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và việc huy động các nguồn lực này một cách hiệu quả sẽ là chìa khóa mở ra các khoản đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo. Việc cân nhắc các yếu môi trường, xã hội và quản trị cũng trở thành yếu tố quyết định để các nhà đầu tư tài trợ cho các dự án.
Nhìn chung, năm 2024, những thách thức mà hai nước phải đối mặt vẫn có thể tiếp tục. Do đó, những nỗ lực trong việc chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và hạ tầng công nghiệp sẽ là chìa khóa để khai thác tiềm năng của hai nước. Cả Indonesia và Việt Nam đều có nguồn lực và cam kết để nâng tầm quan hệ, việc còn lại là tận dụng triệt để những tài nguyên đó.
Có thể còn nhiều việc cần phải làm, nhưng khi thấy nền tảng của mối quan hệ và những cam kết được chia sẻ giữa hai nước, hy vọng năm 2024 sẽ là một năm tích cực đối với Indonesia và Việt Nam.