Việt Nam và Liên bang Nga không muốn hàng hóa đi đường vòng

Rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics trong thương mại hàng hóa, phát triển dịch vụ vận tải trực tiếp là mục tiêu hợp tác phát triển dịch vận tải và logistics của Việt Nam và Liên bang Nga…

Nhiều doanh nghiệp Nga muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam mở tuyến vận tải đường biển trực tiếp giữa hai nước.

Nhiều doanh nghiệp Nga muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam mở tuyến vận tải đường biển trực tiếp giữa hai nước.

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics, tạo động lực thúc đẩy Việt Nam tăng cường hợp tác giao thương với nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.

TIỀM NĂNG HỢP TÁC LỚN

Liên bang Nga là một đối tác thương mại truyền thống và quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Trong giai đoạn 2017 - 2022, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã đạt kết quả tích cực với mức tăng là 5,3%/năm. Đây cũng chính là tiền đề cho hợp tác vận tải hàng hóa và logistics giữa hai nước.

Tại “Bàn tròn thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics”, bà Nguyễn Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, hiện có 3 tuyến đường vận tải hàng hóa đang được Việt Nam và Liên bang Nga khai thác, đó là đường biển, đường hàng không và đường sắt.

Vận tải hàng hóa đường biển từ Việt Nam sang Liên bang Nga có thể thông qua 2 hướng. Hướng 1 là đi qua kênh đào Suez và cập cảng St. Petersburg. Hướng 2 là đi qua các cảng vùng Viễn Đông (trong đó 2 cảng lớn nhất là Vladivostok và Vostochny) rồi từ đó thông qua đường sắt hoặc các phương tiện đường bộ khác để tới Moscow, miền Tây Liên bang Nga, các nước nội khối EAEU hoặc xa hơn nữa là tới toàn bộ châu Âu.

Đầu năm 2022, Chính phủ Liên bang Nga đã khởi động cơ chế trợ cấp vận chuyển ven biển trên tuyến đường biển phía Bắc (NSR) với mục tiêu mở rộng khối lượng vận chuyển hàng hóa, giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu (ngắn hơn 15 ngày so với sử dụng kênh đào Suez).

Vận tải hàng hóa đường hàng không từ Việt Nam sang Liên bang Nga chủ yếu vẫn sử dụng tuyến bay thẳng sang Moscow và một số thành phố lớn khác của Liên bang Nga.

Hiện có 5 hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) đã khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách. Tuy nhiên, chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Vận tải hàng hóa đường sắt từ Việt Nam sang Liên bang Nga hiện thông qua tuyến đường sắt container liên vận quốc tế Á - Âu, xuất phát từ ga Gia Lâm (Việt Nam) sang các ga nội địa của Trung Quốc, sau đó chia 03 hướng: sang Kazakstan vào Liên bang Nga; sang Mông Cổ vào Liên bang Nga; sang Nội Mông - Trung Quốc vào Liên bang Nga, từ đó cũng có thể vận chuyển đến các nước nội khối EAEU.

Doanh nghiệp Việt Nam và Nga thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics.

Doanh nghiệp Việt Nam và Nga thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng phát triển dịch vụ vận tải trực tiếp giữa Nga và Việt Nam bằng đường biển còn rất nhiều tiềm năng. TS Belov Alexey, đại diện vùng Liên bang Viễn Đông của Nga cho rằng hai nước hoàn toàn có thể đưa hoạt động dịch vụ vận tải biển lên một tầm cao mới. Cần nghiên cứu tuyến đường vận tải nối trực tiếp cảng Vladivostock (phía Đông nước Nga) tới các cảng gần TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, thay vì đi đường vòng như hiện nay.

Nhiều nhận định, giá cước vận tải vẫn đang ở mức cao, thời gian vận chuyển còn dài. Do đó, ông Priskoka Alexander Mikhailovich, Phó Giám đốc Thương mại Phát triển Kinh doanh tại Châu Á, Tập đoàn FESCO cho rằng nếu Việt - Nga mở các tuyến tàu đường biển trực tiếp không qua các nước trung gian sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển từ 9-12 ngày, Việt Nam cũng sẽ giải quyết được một phần nỗi lo container rỗng.

TẠO MỌI TIỀN ĐỀ THUẬN LỢI CHO PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS

Để phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam, bà Linh cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics…

Đồng thời, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, kết nối giao thương bằng phương thức trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) ứng dụng công nghệ livestream trên các nền tảng số đối với các mặt hàng mà mỗi bên có thế mạnh.

Mặt khác, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyên truyền phổ biến thông tin về thị trường Việt Nam, thị trường Liên bang Nga tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của hai nước dưới nhiều hình thức khác nhau với nội dung chuyên sâu hơn và thực chất hơn nữa.

Thống nhất tăng cường liên kết hợp tác về vận tải và kết nối giao thương hàng hóa, giao thương dịch vụ logistics giữa hai nước ở tất cả các cấp (nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp) để thúc đẩy thương mại song phương và xuất khẩu sang các nước khác.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cường khai thác tuyến đường sắt container liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc đến Liên bang Nga và các nước nội khối Liên minh kinh tế Á - Âu cũng như tuyến vận chuyển đa phương thức (đường sắt kết hợp đường biển giữa Việt Nam và Liên bang Nga, theo đó từ Moscow kết nối đường sắt đến Vladivostok rồi đi đường biển về các cảng biển của Việt Nam)… nhằm đa dạng hóa phương thức vận tải, tối ưu hóa chi phí logistics, gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng bên.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng logistics Việt Nam còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nga khai thác. Bởi theo đánh giá của IMF, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam hiện đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 413 tỷ USD.

Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường và đa dạng các loại hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,65 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 730,2 tỷ USD năm 2022. Xuất khẩu tăng bình quân khoảng 18%/năm…

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-va-lien-bang-nga-khong-muon-hang-hoa-di-duong-vong.htm