Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận thương mại: Nhà đầu tư giao dịch thăm dò đầu phiên
Thị trường mở cửa phiên sáng 3/7 trong trạng thái giằng co, nhà đầu giao dịch thăm dò dù vừa đón nhận thông tin tích cực về việc Mỹ và Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, với bối cảnh chỉ số đang tiệm cận vùng đỉnh, khối ngoại liên tục bán ròng và dòng tiền vào thị trường có phần thận trọng, diễn biến thị trường vẫn thiên về xu hướng “lình xình”, thiếu động lực bứt phá rõ ràng.
Ngay đầu phiên, các chỉ số chính quay đầu giảm điểm. Đến 9h15, VN-Index giảm hơn 2 điểm; HNX-Index mất 0,39 điểm; UPCOM-Index nhích nhẹ 0,26 điểm. Sắc đỏ áp đảo tại nhiều nhóm cổ phiếu lớn; trong đó, rổ VN30 ghi nhận 16 mã giảm giá, chỉ có 8 mã tăng giá.Các nhóm ngành dẫn dắt thị trường diễn biến phân hóa. Nhóm ngân hàng chủ yếu dao động quanh tham chiếu, nhóm chứng khoán suy yếu với sắc đỏ chiếm ưu thế, trong khi bất động sản kém khả quan khi nhiều mã vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE, NVL đồng loạt giảm giá. Trái lại, nhóm dầu khí ghi nhận diễn biến tích cực, với hàng loạt mã tăng điểm và không có mã nào giảm giá.

Nhà đầu tư giao dịch thăm dò đầu phiên sáng 3/7. Ảnh: Văn Giáp/Bnews/vnanet.vn
Đến 9h20, chỉ số VN-Index vẫn giảm hơn 2 điểm; HNX-Index gần như đi ngang, còn UPCOM-Index tăng 0,23 điểm. Đến 9 giờ 27 phút các chỉ số đã bứt lên khỏi tham chiếu, nhưng mức tăng vẫn chưa thực sự thuyết phục. Cụ thể, VN-Index tăng hơn 2 điểm; HNX-Index và UPCOM -Index vẫn gần như đi ngang.
Diễn biến lình xình của thị trường trong phiên sáng nay diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư đang tiếp nhận đồng thời các thông tin trong và ngoài nước đan xen cả tích cực lẫn tiêu cực. Một trong những thông tin đáng chú ý là việc Mỹ và Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại, được giới đầu tư đánh giá là động thái tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều bất ổn. Theo các hãng tin quốc tế, Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 2/7. Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 0,47% lên 6.227,42 điểm; Nasdaq tăng 0,94% lên 20.393,13 điểm – đều là các mức cao kỷ lục mới. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 10,52 điểm, nhưng vẫn giữ quanh vùng đỉnh cao của năm.
Chiến lược gia đầu tư Michael Arone tại State Street Global Advisors nhận định, thỏa thuận thương mại Mỹ - Việt là một tin tức đáng hoan nghênh, giúp nhà đầu tư phần nào yên tâm giữa bối cảnh kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn thận trọng khi chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 3/7, sớm hơn thường lệ do nghỉ lễ Quốc khánh.
Cuộc khảo sát của Reuters dự báo tăng trưởng việc làm tại Mỹ có thể chững lại trong tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp nhích lên 4,3%. Nếu điều này được xác nhận, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong các tháng tới sẽ gia tăng, tuy nhiên cũng đồng nghĩa với tín hiệu kinh tế đang mất đà phục hồi – một yếu tố mà thị trường sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng. Với thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia cho rằng việc “lình xình” quanh vùng đỉnh là diễn biến tương đối bình thường trong giai đoạn thị trường đang chờ thêm “chất xúc tác” mới. Đà bán ròng của khối ngoại, trong khi nhà đầu tư trong nước chưa thực sự quyết đoán, khiến thanh khoản chưa đủ mạnh để kéo VN-Index vượt đỉnh một cách thuyết phục. Dù vậy, về dài hạn, nhiều tổ chức vẫn duy trì góc nhìn tích cực nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II, tiến độ nâng hạng thị trường và dòng vốn ngoại quay trở lại khi mặt bằng lãi suất toàn cầu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ như tiến trình ký kết các hiệp định thương mại, hợp tác quốc tế như thỏa thuận Mỹ – Việt mới đây, có thể góp phần tạo nền tảng vững chắc cho thị trường trong nửa cuối năm.