Việt Nam và nhiều nước nhóm họp về quy hoạch tần số cho 5G
Nhiều nước ASEAN đang tìm phương án quy hoạch tần số mạng 5G. Điều này diễn ra trong bối cảnh mỗi quốc gia có một sự lựa chọn riêng, các nhà làm chính sách vì vậy cần có giải pháp để hài hòa phổ tần trong khu vực.
Chiều 26/11, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về hài hòa phổ tần cho 5G trong các nước ASEAN.
Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu thế giới về thông tin di động đến từ GSMA, Ericsson, Huawei, NSN, Nokia, Axiata, Công ty tư vấn Windsor Place, cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Hiện nay, các nước ASEAN đang triển khai cấp phép băng tần cho 5G. Việc hài hòa phổ tần dành cho 5G cũng như các dịch vụ khác đang là vấn đề cấp thiết nhằm giảm thiểu can nhiễu giữa các quốc gia và giúp đạt hiệu quả sử dụng phổ tần tốt nhất.
Băng tần 3.5 GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của 5G. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấp phép cho doanh nghiệp triển khai 5G trong bối cảnh hệ sinh thái thiết bị 5G tương đối phát triển.
Tuy nhiên, đa số các nước ASEAN đều gặp thách thức chung khi quy hoạch tần số 5G ở băng tần 3.5 GHz. Nguyên nhân bởi băng tần này đang được nhiều nước sử dụng cho hệ thống cố định qua vệ tinh. Việc xem xét sử dụng rộng rãi mạng 5G trên băng tần 3.5GHz vì thế cần có giải pháp kỹ thuật để tránh nhiễu có hại cho các trạm mặt đất.
Để giải quyết vấn đề băng tần cho 5G khi chưa thể sử dụng băng tần 3,5 GHz, nhiều quốc gia xem xét quy hoạch băng tần 2.6 GHz bởi hệ sinh thái thiết bị 5G hỗ trợ băng tần này đã sẵn sàng. Điểm hạn chế của phương án này là sự không hài hòa về mặt quy hoạch băng tần khi một số quốc gia đang sử dụng băng tần trên cho 4G. Điều đó dẫn đến thách thức về việc phải làm sao để phối hợp, xử lý nhiễu đường biên giới.
Đây chính là những bài toán lớn đã được các chuyên gia mang ra "mổ xẻ", thảo luận trong buổi hội thảo về hài hòa phổ tần cho 5G.
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, 5G có thể đẩy nhanh sự phát triển của cơ sở hạ tầng số và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Hiện tại, Việt Nam và các nước ASEAN đã tiến hành thử nghiệm 5G hoặc triển khai các dịch vụ 5G thương mại.
Các nước ASEAN đang hành động để cung cấp phổ tần cho các dịch vụ 5G. Tuy nhiên, điều mà cả khu vực phải đối mặt đó là những thách thức trong việc quy hoạch tần số dùng cho 5G.
Vị chuyên gia này cho biết, Việt Nam và một số quốc gia khác đã tiến hành các thử nghiệm về việc dùng chung băng tần 3.5GHz cho cả dịch vụ vệ tinh và di động, đồng thời chuẩn bị thêm băng tần khác cho 5G.
Hội thảo này chính là cơ hội để các quốc gia cùng chia sẻ thông tin về kết quả thử nghiệm, hiện trạng và kế hoạch triển khai 5G trong tương lai. Thông qua đây, cơ quan quản lý và các nhà khai thác dịch vụ di động của mỗi nước có thể cùng nhau trao đổi, thảo luận và có cái nhìn toàn diện về xu hướng phát triển 5G của khu vực và trên thế giới.