Việt Nam và Vùng Flanders tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, chiều ngày 3/4, hội thảo 'Thúc đẩy hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu' giữa Việt Nam và Flanders được tổ chức bởi Cục xúc tiến đầu tư và thương mại Vùng Flanders (FIT). Sự kiện quy tụ các quan chức chính phủ, lãnh đạo ngành và các đối tác tiềm năng để tìm ra giải pháp bền vững trong cung ứng thực phẩm và quản lý nguồn nước.

Tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu giữa Việt Nam và Flanders (Bỉ).
Bà Cieltje Van Achter, Bộ Trưởng phụ trách về Brussels và Truyền thông Vùng Flanders (Vương quốc Bỉ) phát biểu khai mạc hội thảo khẳng định: "Biến đổi khí hậu là một thực tế ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, từ cách sống trong các thành phố, sản xuất thực phẩm cho đến phương thức di chuyển. Để giải quyết những tác động này, chúng ta cần suy nghĩ lại và đổi mới trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, không chỉ tại Flanders mà còn ở nước ngoài".

Bà Cieltje Van Achter chia sẻ tại sự kiện.
Chính quyền Flanders đã và đang hỗ trợ tài chính cho các dự án thí điểm nhằm chứng minh hiệu quả của công nghệ khí hậu tại các nước đối tác. Trong số 69 dự án toàn cầu, có 5 dự án đang hoạt động tại Việt Nam thông qua chương trình hành động vì Khí hậu Flanders (VIKAP). Đặc biệt, Flanders đã cam kết gần 3 triệu Euro cho Việt Nam, đồng thời tạo động lực thu hút gần gấp đôi số tiền này từ các đối tác khác.
"Là một chính phủ, chúng tôi tự hào về công nghệ và sự đổi mới mà Flanders sở hữu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ khí hậu. Chúng tôi cũng hỗ trợ các công ty Flanders xuất khẩu các giải pháp này thông qua cơ quan Flanders Investment & Trade", bà Cieltje Van Achter nhấn mạnh.

Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Việt Nam đang đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu nghiêm trọng, đòi hỏi hành động khẩn cấp và nguồn tài chính mạnh mẽ. Hợp tác quốc tế và khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuyển đổi kinh tế xanh và thích ứng khí hậu bền vững.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Nga, Viện Trưởng Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang là thách thức lớn. Ước tính nếu không có hành động kịp thời, biến đổi khí hậu sẽ làm Việt Nam tổn thất 3 - 5% GDP mỗi năm vào năm 2050, hàng triệu người có nguy cơ di cư do tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Phạm Thị Thanh Nga trình bày tổng quan về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
“Theo kịch bản RCP 8.5, nhiệt độ tăng lên, mưa cực đoan tăng, lượng mưa hàng năm dự báo tăng từ 10 - 25%, mực nước biển dâng dự báo 100 cm vào năm 2100. Đồng bằng sông Cửu Long có 47,29% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt; TP Hồ Chí Minh có 17,15% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt; siêu bão Yagi (năm 2024) gây thiệt hại hơn 3,45 tỷ USD, làm 345 người chết/mất tích, tương đương 0,8% GDP”, bà Nga cho biết thêm.
"Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đặt ra mục tiêu phải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; xây dựng nền kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ít phát thải carbon. Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam có những hành động cụ thể như thích ứng phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu, tăng cường cảnh báo sớm và dự báo thiên tai, cải thiện hạ tầng chống chịu thiên tai. Đặc biệt là giảm phát thải chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, giao thông, phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCUS)", bà Phạm Thị Thanh Nga nói.

Ông Piet Demunter phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Piet Demunter, Quyền Tổng giám đốc Cục xúc tiến đầu tư và thương mại Vùng Flanders, nhấn mạnh: "Với sự bền vững làm trọng tâm, chúng tôi đang kết nối công nghệ và hành động địa phương để xây dựng một tương lai chống chịu khí hậu".
Một trong những yếu tố quan trọng của chương trình VIKAP chính là thúc đẩy hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp. Theo đại diện Flanders, việc triển khai các dự án thí điểm giúp áp dụng công nghệ mới vào những điều kiện thực tế khác biệt, đồng thời xây dựng các mối quan hệ đối tác bền vững.
Với sự cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, hội thảo lần này là cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vùng Flanders, hướng tới mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh.