Việt Nam vẫn là điểm đến của đầu tư nước ngoài trong năm tới

Năm 2023, trong bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước tính đạt 5,05%. Mặc dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng, song Việt Nam vẫn được cho là quốc gia có mức tăng trưởng cao trong khu vực và vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến cho năm 2024.

Báo Nikkei của Nhật Bản hôm qua cho biết, tăng trưởng của Việt Nam bị tác động mạnh từ những yếu tố rủi ro của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, các cuộc xung đột và sự chuyển dịch địa chính trị khiến các chuỗi cung ứng bị yếu, trao đổi thương mại bị giảm sút.

Mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra, song tăng trưởng của Việt Nam vẫn được đánh giá là lạc quan. Báo này trích dẫn một số chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng, thân thiện và dư địa phát triển lớn. Tập đoàn Siam (SCG) của Thái Lan là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì và ngành hóa dầu. Hiện tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam nhiều dự án với trị giá hơn 7 tỷ USD và sẽ tiếp tục cam kết mở rộng đầu tư trong những năm tới, trong đó có các dự án về chuyển đổi năng lượng.

Nhiều tập đoàn quốc tế cũng đã cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Nhiều tập đoàn quốc tế cũng đã cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG nhận định: "Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam như là sân nhà của mình. Chúng tôi thấy Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn. Việt Nam có dân số trẻ, tràn đầy năng lượng và lực lượng lao động chất lượng tốt. Việt Nam cũng có những điều kiện phù hợp với chúng tôi như là đã ký FTA với nhiều quốc gia.

Điều này giúp Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Việt Nam có một nền chính trị ổn định trong một thời gian dài. Điều giúp các công ty có thể ổn định việc kinh doanh. Chính phủ cũng đã có một tầm nhìn hướng về phía trước".

Cùng chung quan điểm, bà Jareeporn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn WHA, Thái Lan chia sẻ: "Tại sao chúng tôi quan tâm đầu tư vào Việt Nam? Bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng đây là quốc gia rất hấp dẫn trong khu vực, đặc biệt là đối với FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài). Bạn có thể thấy số lượng FDI tại đây cũng rất lớn. Và về GDP, Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng có nhiều cơ hội ở Việt Nam, đó là lý do tại sao tập đoàn có hứng thú đầu tư vào đây. Chỉ trong vòng 6 năm, chúng tôi đã đầu tư khoảng 200 triệu USD, và chúng tôi đã thu hút được khoảng thêm 1,2 triệu USD từ cái nhà ủy thác đầu tư. Chúng tôi hiện đang chuẩn bị một nguồn ngân sách thêm 500 triệu USD để đầu tư thêm vào Việt Nam. Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tư lớn thứ hai của tập đoàn chúng tôi sau Thái Lan.

Còn theo bà Jo Eunjin, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại-đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) văn phòng Hà Nội, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trở lại thời điểm trước dịch Covid 19 và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo bà Jo Eunjin: "Gần đây, các công ty quốc tế đã bắt đầu tái cấu trúc các giá trị toàn cầu thông qua việc tổ chức lại các chuỗi cung ứng và đa dạng hóa địa bàn sản xuất. Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các công ty muốn thoái lui khỏi các thị trường cố định để mở rộng ra các quốc gia khác nhờ các chính sách thu hút đầu tư nổi bật cũng như lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, tình hình chính trị ổn định và các quy định thuận lợi cho thương mại.

Sự quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với Việt Nam đã trở lại trước thời điểm đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phân phối, đặc biệt là sản xuất linh kiện và và nguyên vật liệu".

Nhiều tập đoàn quốc tế cũng đã cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hôm qua tập đoàn Pepsi.Co Ins của Mỹ cho biết sẽ đầu tư khoảng 82 triệu USD để xây dựng thêm nhà máy sản xuất đồ ăn nhanh tại tỉnh Hà Nam. Trong khi nhà sản xuất chip NVIDIA của Mỹ tháng trước cũng thông tin sẽ mở rộng hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu Việt Nam để nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Nvidia cũng đang xem xét thành lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trong năm tới.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tính đến tháng 10 năm nay đã tăng 54% so với cùng kỳ, với 15,29 tỷ USD đầu tư vào 2.608 dự án mới. Trong số đó, khoảng 5,29 tỷ USD được đầu tư vào hơn 1.000 dự án hiện có.

Châu Anh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-van-la-diem-den-cua-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-nam-toi-post1068751.vov