Việt Nam vào nhóm 25 nước dẫn đầu an toàn, an ninh mạng toàn cầu

Báo cáo GCI 2020 mới được ITU công bố cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 25 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu và hướng trở thành cường quốc an ninh mạng…

Việt Nam sớm có chiến lược hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng “Make in Viet Nam”.

Ngày 29/6, tại Chương trình nghị sự về an toàn thông tin mạng toàn cầu tại Geneva (Thụy Sỹ), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100 với sự cải thiện ở 5 trụ cột đánh giá. Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25/194 toàn cầu, thứ 7 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 khu vực ASEAN.

QUYẾT TÂM HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ, CHIẾN LƯỢC “MAKE IN VIET NAM”

Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI 2020 vừa được ITU công bố. Trong kỳ đánh giá thứ tư này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, thứ 7 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 khu vực ASEAN.

"Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột. Trong đó, Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20 và 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20. Việt Nam đã tăng 25 bậc, xếp thứ 4/11 quốc gia khu vực ASEAN".Báo cáo GCI 2020

Cụ thể, Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Trong đó, bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

So với kỳ đánh giá gần nhất công bố vào năm 2019, Việt Nam đã tăng 25 bậc, vượt qua Thái Lan để xếp thứ 4/11 quốc gia khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore, Malaysia và Indonesia.

Đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: Kết quả ấn tượng trên là nhờ nỗ lực lớn của Việt Nam trong một chặng đường dài, thể hiện rõ qua quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ đối với vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng; nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, vai trò Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ, không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới.

Không những thế Việt Nam còn có sáng kiến nỗ lực thực thi hành lang pháp lý. Tại Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn thông tin gồm Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp từ 0% trong các năm 2019 lên đạt 100% vào cuối năm 2020.

Cùng với đó, Việt Nam đã sớm có chương trình, đề án để phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng và xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng “Make in Viet Nam” cũng góp phần nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, được ITU ghi nhận và đánh giá cao.

TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC AN NINH MẠNG

Báo cáo GCI 2020 cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thứ hạng của các quốc gia châu Á, nhất là các nước ASEAN những năm qua đang có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác đảm bảo, an toàn, an ninh mạng.

"Thành tích nêu trên của các nước trong khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đã cho thấy Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì thứ hạng trong nhóm 25 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc về an ninh mạng."

Ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU.

Trong GCI 2020, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã nỗ lực rất lớn như Ấn Độ tăng 37 bậc, từ vị trí thứ 47 năm 2018 lên xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng; Hàn Quốc tăng 11 bậc, từ thứ 15 lên thứ 4; Nhật Bản tăng 7 bậc, từ thứ 14 lên thứ 7; Indonesia vươn lên xếp thứ 24 ngay trên Việt Nam, tăng 24 bậc so với kỳ đánh giá công bố năm 2019.

Tổng thư ký Houlin Zhao đánh giá: Thành tích nêu trên của các nước trong khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đã cho thấy Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì thứ hạng trong nhóm 25 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc về an ninh mạng.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, việc cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng – GCI đã khó thì việc làm sao để duy trì quyết tâm, nỗ lực đảm bảo an toàn thông tin mạng dài hạn, trong 5, 10 năm nữa càng khó khăn hơn.

Đại diện Cục An toàn thông tin, cho rằng quyết tâm chính trị của Việt Nam cũng cần phải được tiếp tục duy trì trong 5 - 10 năm tới để nước ta trở thành một cường quốc về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Thực tế, Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, cho phép Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về an toàn, an ninh mạng; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin “Make in Viet Nam” và phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc, nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

“Tuy nhiên, giống như như hạt mầm cần có mảnh đất tốt, cần có những doanh nghiệp tiên phong tạo thành hệ sinh thái và các sản phẩm an toàn, an ninh mạng “Make in Viet Nam” cần được chính người Việt tạo cơ hội được sử dụng, được hoàn thiện để có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra toàn cầu”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Báo cáo GCI là kết quả của Chương trình nghị sự về an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Agenda - GCA) được thực hiện định kỳ 2 năm 1 lần nhằm nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng của lãnh đạo các quốc gia; đồng thời đánh giá kết quả triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các nước.Đánh giá chỉ số GCI 2020 được ITU dựa trên 5 trụ cột chính, bao gồm: Pháp lý; Kỹ thuật; Tổ chức; Nâng cao năng lực; và Hợp tác, với điểm tối đa cho mỗi trụ cột là 20.

Hồng Vinh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-vao-nhom-25-nuoc-dan-dau-an-toan-an-ninh-mang-toan-cau.htm