Việt Nam - vị thế chiến lược mới
Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt khiến hàng loạt nước phải chống đỡ bằng cách tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy…
Những biến động khốc liệt, khôn lường trong mấy năm qua, đặc biệt là trong năm 2022 cùng những gì chưa thể tiên lượng hết trong năm 2023 và những năm tiếp theo đang làm nẩy sinh những câu hỏi lớn, nóng bỏng về tiến trình của thế giới đương đại, về cách thức giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia, về cách thức hóa giải các nguy cơ, về trách nhiệm của các quốc gia đối với những cam kết quốc tế và đối với vận mệnh của toàn nhân loại.
Vừa bước ra khỏi bầu không khí u ám của hai năm bị đại dịch Covid -19 hoành hành, gây ra những tổn thất về sinh mạng và vật chất nặng nề chưa từng có thì đầu năm 2022, thế giới đã phải chịu tác động rất tiêu cực của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Cuộc chiến này không còn nằm trong giới hạn giữa hai quốc gia mà đã mang dáng dấp của một cuộc đối đầu giữa Nga và Phương Tây, đặt ra những thách thức và nguy cơ về an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi hệ thống XHCN ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ cách đây hơn 30 năm, và cuộc chiến tranh lạnh Đông - Tây được coi như chấm dứt từ lúc đó. Kinh tế thế giới bị giáng một đòn chí mạng, lâm vào bất ổn và suy thoái.
Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt khiến hàng loạt nước phải chống đỡ bằng cách tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy… Niềm tin trong quan hệ quốc tế bị thách đố nghiêm trọng. Đã thấy rõ, sự coi thường lợi ích cốt lõi của nhau, nhất là những lợi ích về an ninh, đã dẫn đến những tai họa khôn lường, kết cục bi thảm. Chiến tranh - cái vực thẳm nghìn đời đó - đang hiện hữu!
Lịch sử thế giới trước hết là cuộc đua tranh quyền lực của các nước lớn. Khuấy động, áp chế, khuynh đảo vũ đài quốc tế hiện thời không ai khác vẫn là những “ông lớn” đã và đang án ngữ mặt tiền đời sống thế giới từ nhiều thập kỷ nay.
Có một thực tế đang xuất hiện như một nghịch lý: Dòng thác toàn cầu hóa càng mạnh, thế giới càng hội nhập sâu thì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan càng phát lộ. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt.
Từ một cách nhìn tổng thể về tình hình quốc tế, càng thấy rõ hơn những thành tựu năm 2022 và những vấn đề trên con đường phát triển của đất nước ta trong những năm tới. Năm 2022 tiếp tục là một năm thử thách bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sát hạch sự năng hoạt điều hành và khả năng thích ứng của Việt Nam trước những biến động dữ dội của thời cuộc.
Phải thấy rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, nhưng độ mở của nền kinh tế lại rất cao (200% GDP), sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế nên khi thế giới biến động mạnh, nền kinh tế nước ta đã bị ảnh hưởng lớn.
Trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá, Chính phủ đã điều hành linh hoạt tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng phù hợp. Đây là một thách thức rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Sự điều hành năng hoạt đó đã thể hiện rất rõ, khi chỉ còn 25 ngày nữa là hết năm 2022, nhưng Chính phủ vẫn quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 2%, bơm vào thị trường 200.000 tỷ VND.
Cùng với 1,8% chỉ tiêu chưa sử dụng, nên trong những ngày cuối năm 2022, nền kinh tế đã được “tiếp máu” thêm 400.000 tỷ VND, tạo dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các DN, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu. Mặt khác, do đã có được một lượng dự trữ ngoại tệ tương đối khá (110 tỷ USD), Việt Nam đã kịp thời tung ra thị trường một lượng ngoại tệ cần thiết ( khoảng 21 tỷ USD) để giữ vững giá trị đồng nội tệ, lạm phát được khống chế dưới 4%.
Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực được đẩy tới với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Trật tự, kỷ cương được xác lập mạnh mẽ. Đổi mới sáng tạo được khích lệ trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Thật ấn tượng khi tăng trưởng quý III đã đạt tới hơn 13,71%, đảm bảo mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy còn khiêm tốn, nhưng quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt 408,95 tỷ USD, kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục 731 tỷ USD, xuất siêu đạt hơn 11,2 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85,3 nghìn tỷ đồng cho trên 55,2 triệu lượt người lao động và gần 856.000 người sử dụng lao động)… Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19.
Theo Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019 - 2022).
Trong bức tranh phát triển chung của đất nước, Hà Nội tiếp tục tỏ rõ vai trò trọng yếu của một trong hai đầu tàu kinh tế. Với mức tăng trưởng 8,89%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 106,8%, tăng 2,75 so với năm 2021, Hà Nội đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước năm 2022.
Những con số đó đã thể hiện bức tranh sống động của một nền kinh tế vừa biết tranh thủ những cơ hội lớn đang mở ra, vừa biết cách đương đầu và nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức rất gay gắt. Trong lúc thế giới bất ổn nghiêm trọng vì chiến tranh và xung đột, một số quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì
Việt Nam được coi là “xứ sở của bình yên”. Không phải Việt Nam phải đi ra thế giới mới có hội nhập mà Việt Nam đang trở thành một địa chỉ sống động và hấp dẫn của hội nhập quốc tế. Một làn sóng đầu tư mới đang chuyển động khi một số nhà đầu tư quốc tế có tầm cỡ đang dự định tiến vào thị trường Việt Nam.
Một quốc gia, đã từng phải chịu đựng mấy cuộc chiến tranh lớn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nền kinh tế còn trong quá trình chuyển đổi, luật pháp chưa hoàn chỉnh, nay lại được đánh giá là một trong những nơi đầu tư an toàn nhất châu Á thì quả là một điều rất đáng khích lệ.
Nằm ở vùng xung yếu và vô cùng nhạy cảm của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, Việt Nam phải luôn luôn tìm cách xử lý phù hợp nhất các mối quan hệ quốc tế, các tầng lợi ích đan xen, nhất là quan hệ giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, mặt trận đối ngoại đã được Đảng và Nhà nước ta triển khai một cách chủ động, tích cực, nâng tầm cả về song phương và đa phương.
Trong năm 2022, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ đối ngoại nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu.
Đối ngoại Việt Nam năm 2022 đã ghi đậm thành công tốt đẹp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là chuyến thăm CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau khi Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, chuyến thăm một số nước châu Á của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chuyến đi tới Hoa Kỳ dự hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ và chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyến thăm một loạt nước châu Á, châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Việc nước ta đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế như Chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020 - 2021, cùng với ứng xử đúng đắn, có lý, có tình tại nhiều diễn đàn đa phương đã khẳng định và nâng cao hình ảnh, uy tín nước Việt Nam độc lập, tự chủ, đổi mới, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tin cậy, chân thành và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Có thể thấy, từ năm 2017 đến nay, thành công nổi bật liên tiếp của mặt trận ngoại giao đã chứng tỏ hoạt động đối ngoại đa phương của ta đã nâng lên một tầm cao mới, chuyển mạnh sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Nội dung các hoạt động đối ngoại đều rất thực chất, thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Quan hệ với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Nga, Mỹ, các nước ASEAN, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… đều được nâng cao cả về chính trị và kinh tế.
Cùng với những thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước, thành công của ngoại giao Việt Nam trong năm 2022 đã tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, đưa thế chiến lược của Việt Nam ngày càng vững vàng để bước vào năm 2023.
Năm 2023 được dự báo là thách thức nhiều hơn cơ hội do những vấn đề bên trong của nền kinh tế và do những biến động phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế.
Chúng ta biết đất nước mình rất giàu tiềm năng, nhưng lại vẫn đang thiếu nhiều điều cốt yếu. Tuy tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng rất kém, vừa làm xong đã xuống cấp.
Năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của DN, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng còn thấp. Các nguồn lực chưa được giải phóng tối đa, việc cơ cấu lại nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, lúng túng; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập, thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", một số vấn đề xã hội còn nhức nhối.
Đã có cảnh báo rằng có thể chúng ta đang đứng trước “nghịch lý thành công”. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, nhưng thị trường - DN - ngân hàng lại đang đối mặt nhiều rủi ro, nguy cơ “vỡ trận” thị trường trái phiếu DN do khủng hoảng tâm lý, lòng tin.
Vì thế, thời điểm này là cơ hội để đẩy mạnh cải cách thể chế, cấu trúc lại hệ thống thị trường tài chính. Cần giải phóng đầu tư công, dập tắt khủng hoảng tâm lý, khôi phục lòng tin, không hình sự hóa các vụ án kinh tế, tạo điều kiện để DN thích ứng, tự cứu, tìm kiếm thị trường lớn. Các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi nước ta phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế.
Bước vào năm 2023, Việt Nam đang ở trên một vị thế chiến lược mới, tự tin hơn, khoáng đạt hơn, mạnh mẽ hơn. Thế nước của ta là thế nước của một quốc gia nằm ở điểm hội tụ của những nền văn minh lớn, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm nhất. Vận hội là đây, thử thách cũng là đây!
Từ một cách nhìn tổng thể về sức vóc quốc gia và thế cuộc khu vực, toàn cầu, càng thấy rõ những vấn đề trên con đường phát triển của đất nước. Một trong những mấu chốt quan trọng bậc nhất là Việt Nam phải xây dựng và vận hành được một thể chế quản trị quốc gia hữu hiệu hơn nữa với những cơ chế có thể giải phóng sức lao động sáng tạo sung mãn của người Việt Nam.
Một đất nước không thể phát triển, không thể có tương lai nếu không có khát vọng. Khát vọng đó không chỉ ở một người, một nhóm người. Đó phải là khát vọng của cả dân tộc, quyết không chịu đói nghèo, lạc hậu, tụt hậu, đồng lòng đi tới.
Một cảm hứng dựng xây tươi mới đang bừng khởi trên khắp đất nước. Nó được thể hiện không chỉ ở con số 163.000 DN đăng ký mới và trở lại hoạt động trong năm 2022 (tăng 38,6% so với cùng kỳ) mà còn ở khả năng vượt khó, nắm bắt cơ hội, mở rộng không gian sáng tạo, tăng sức cạnh tranh của hàng vạn DN lớn, vừa và nhỏ đang bươn chải trên thương trường đầy sóng gió, của rất nhiều trí thức và nhà kinh doanh gốc Việt, trong đó có nhiều người trẻ, đang hăm hở trở về góp sức lực và trí tuệ vào công cuộc dựng xây đất nước.
Chuyện làm ăn đang rộn rã, náo nhiệt trong mọi cung bậc, ngõ ngách của đời sống sau hơn hai năm trầm lắng do đại dịch Covid - 19. Nó đang trở thành một động lực mạnh cho cuộc kiến tạo lớn.
Đất nước đang chuyển mình với một tâm thế mới. Niềm tin và khát vọng vươn tới đang làm phấn chấn hàng triệu đôi chân Việt trên con đường khởi nghiệp kiến tạo tương lai.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-vi-the-chien-luoc-moi.html