Việt Nam với chính sách nhất quán: 'Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế'

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Chính phủ, cùng các bộ, ngành đã thông qua nhiều Quyết định, Nghị định mới để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách nhất quán không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Sớm xác định phát triển kinh tế, phải đi liền với công tác bảo vệ môi trường

Sau gần 40 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Từ một quốc gia kém phát triển, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, thì nay, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, điện tử và nhiều ngành cơ khí khác.

Dù vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang tạo ra một lượng phát thải rất lớn, gây ra tác động xấu tới môi trường.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Ngay từ giai đoạn đầu của quá trình Đổi mới, Việt Nam đã sớm xác định quá trình phát triển kinh tế, phải đi liền với công tác bảo vệ môi trường.

“Trong những năm đầu của quá trình Đổi mới, Việt Nam đã cử một số chuyên gia môi trường tới các quốc gia phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản để học tập kinh nghiệm bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, nhằm tránh phải trả giá giống như Nhật Bản trước đây”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói.

Kết quả, vào năm 1993, Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên. Từ đó tới nay, Việt Nam đã 4 lần sửa Luật Bảo vệ môi trường, điều chỉnh các quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, đã có giai đoạn Việt Nam quá coi trọng việc phát triển kinh tế, nhưng lại xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, coi các vấn đề liên quan tới môi trường là vấn đề xa vời, tốn kém. Điều này đã tạo ra kẽ hở cho một số doanh nghiệp vì tối ưu lợi nhuận, mà cố tình đổ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

“Sau một loạt sự cố liên quan tới việc doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi, trường vào năm 2016 Việt Nam đã thức tỉnh hoàn toàn. Từ đó, chúng ta đã đưa ra một chủ trương lớn là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Phải khẳng định rằng, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn”, ông Chinh nêu quan điểm.

 PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: KTMT)

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: KTMT)

Để cụ thể hóa chủ trương đó, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào năm 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã có nhiều quy định mang tính đột phá như đối với giấy phép môi trường, quản lý chất thải, thu phí theo khối lượng xả ra.

Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã làm rõ trách nhiệm tỉnh, của huyện của xã trong công tác bảo vệ môi trường. Luật cũng quy định chặt chẽ hơn, phân loại rõ các nhóm dự án có có nguy cơ tác động xấu tới môi trường.

Ngoài ra, Luật còn cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước. Đồng thời tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

“Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính là sự “trưởng thành” của Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, PGS.TS Nguyễn Thế Chính nhấn mạnh.

Chính sách nhất quán “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Chính phủ thông qua loạt Quyết định, Nghị định mới để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách nhất quán không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Cụ thể, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 1375, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2023.

Trong Quyết định này, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025, 70 - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê.

Đồng thời, 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Chính phủ cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương. Đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong năm 2022, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định 45 đã tăng mức xử phạt đối với hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường. Mức xử phạt tối đa đối với các tổ chức, doanh nghiệp có thể lên tới 2 tỷ đồng.

Cũng trong năm này, Chính phủ cũng ban hành Quyết định 450, phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

 Chính sách nhất quán của Việt Nam là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. (Ảnh: DO)

Chính sách nhất quán của Việt Nam là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. (Ảnh: DO)

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cũng có các Thông tư, Chỉ thị mới tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Ví dụ, trong Chỉ thị 11, Bộ Công Thương đã cam kết sẽ giám sát chặt chẽ các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ hiện có để giảm phát thải, lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh: Chủ trương, đường lối và các văn bản pháp luật liên quan tới vấn đề môi trường ở thời điểm hiện tại đã tương đối hoàn thiện.

Riêng ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoáng sản, luyện kim,...

Đặc biệt, trong Nghị định 45, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường là cần thiết, đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, việc thực thi ở các địa phương vẫn còn một số bất cập, và hiện nay vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực thi các quy định liên quan tới bảo vệ môi trường.

“Việc phân loại rác tại nguồn đáng lẽ là trách nhiệm của các địa phương, thế nhưng vẫn có hiện tượng đùn đẩy lên trung ương. Do đó, tôi cho rằng, các địa phương, nhất là người lãnh đạo phải có trách nhiệm hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Chinh nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-voi-chinh-sach-nhat-quan-khong-danh-doi-moi-truong-de-phat-trien-kinh-te-post264399.html