Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Nửa năm nhìn lại

Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Việt Nam với loạt sự kiện lớn trong nước và những vai trò mới trên chính trường quốc tế, trong đó nổi bật là hai trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kì 2020-2021) và Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Nguồn: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Nguồn: VGP

Việt Nam chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020. Nửa năm qua, dấu ấn Việt Nam để lại là vô cùng ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện và vẫn đang có những tác động lớn trên khắp toàn cầu nói chung và các nước ASEAN nói riêng.

Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua đại dịch COVID-19

Lựa chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là "Gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể. Để thực hiện hóa chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam xác định 5 ưu tiên lớn sẽ thúc đẩy trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; cuối cùng là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, chỉ sau hơn ba tháng, dịch bệnh đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề không chỉ tới sức khỏe, tính mạng con người mà còn cả kinh tế - xã hội. Dự đoán, các tác động tiêu cực từ COVID-19 sẽ vượt xa mức độ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Chính những thách thức như vậy càng khiến cho Việt Nam nỗ lực vượt khó, dẫn dắt ASEAN vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Ngày 14-4, Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về Covid-19 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao đã thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Lãnh đạo nhiều nước không chỉ ghi nhận thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, mà còn đánh giá cao việc Việt Nam kịp thời hỗ trợ các nước kiểm soát dịch bệnh như, Việt Nam đã gấp rút gửi cho Lào và Campuchia các thiết bị y tế, quần áo bảo hộ và hệ thống xét nghiệm PCR trị giá 7 tỷ đồng; hỗ trợ 50.000 USD cho công tác phòng chống dịch bệnh tại Myanmar; hàng trăm ngàn khẩu trang do Việt Nam sản xuất cũng đã được gửi tặng nhiều nước… đóng góp thiết thực cho cuộc chiến chung chống đại dịch Covid-19 của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Đây là lần đầu tiên các hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra dưới hình thức trực tuyến kể từ khi hiệp hội được thành lập vào năm 1967. Chia sẻ với VOV trước thềm hai hội nghị cấp cao đặc biệt, Tổng Thư ký ASEAN, Dato Lim Jock Hoi nhận định, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã thể hiện "tầm lãnh đạo mạnh mẽ" trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. Ông Jock Hoi nhấn mạnh: "Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức của đại dịch Covid-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau, đoàn kết và kiên cường".

Nhiều hãng thông tấn quốc tế, các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về hai hội nghị Ccấp cao đặc biệt trên. Hãng thông tấn AFP (Pháp) nêu rõ, Việt Nam đã thể hiện đậm nét vai trò Chủ tịch ASEAN tại hai hội nghị này. Còn hãng tin AP (Mỹ) dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "chính vào thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tinh thần tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn".

Việt Nam đồng thời còn duy trì hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, có thể kể đến Hội nghị trực tuyến đặc biệt Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – Nga về đối phó với Covid-19, Hội nghị đầu tiên giữa các Bộ trưởng Y tế Mỹ - ASEAN. Đài truyền hình Việt Nam dẫn lời tiến sĩ Malcom Cook của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay: "Nếu như nhìn vào các con số tại các cuộc họp ASEAN được tổ chức ở khu vực để nói về đại dịch này và các cuộc họp với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, không có cuộc họp nào là nằm trong kế hoạch và chương trình nghị sự. Điều này cho thấy Việt Nam đã có thể thay đổi trọng tâm nhanh nhưng vẫn thu hút sự tham gia của các đối tác đối thoại".

Chính phủ Việt Nam trao tặng khẩu trang y tế cho chính phủ Đức trong lễ trao tặng vật tư y tế của Chính phủ Việt Nam tặng chính phủ các nước. Nguồn: Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Công hòa Liên bang Đức

Chính phủ Việt Nam trao tặng khẩu trang y tế cho chính phủ Đức trong lễ trao tặng vật tư y tế của Chính phủ Việt Nam tặng chính phủ các nước. Nguồn: Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Công hòa Liên bang Đức

Kỳ vọng lớn dành cho Việt Nam và ASEAN

Những thành công trong chặng đường vừa qua đã khiến kỳ vong của ASEAN và các đối tác dành cho Việt Nam rất lớn. Cũng theo Đài truyền hình Việt Nam, ông Alexander Feld, Chủ tịch Hội Đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN chỉ ra, Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra những cách thức an toàn để mở cửa nền kinh tế. Hiếm có nơi nào mở cửa sớm như Việt Nam, thế nên việc đầu tiên mà Việt Nam cần làm là giúp các nước ASEAN khác mở cửa nền kinh tế và cuộc sống một cách an toàn. Nếu làm được điều đó sẽ là một bước tiến lớn, Việt Nam và ASEAN đang đứng trước cơ hội rất lớn để phục hồi chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Ngày 24/6 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giữa kì của Bộ trưởng Kinh tế các nước đàm phán hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thông qua hình thức trực tuyến. Hội nghị nhằm thảo luận các bước đi tiếp theo để thúc đẩy việc ký kết RCEP vào tháng 11 năm nay. Hiệp định sẽ giúp các nền kinh tế thành viên đặc biệt là các nước Đông Nam Á phục hồi thương mại, nhất là các quốc gia gắn liền với chuỗi cung ứng khu vực. ASEAN và các đối tác cũng đang rất quyết tâm ký kết RCEP theo đúng mục tiêu đã đề ra. Đây không chỉ là một cú hích cho thương mại tự do mà còn là một dấu ấn đậm nét trong năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam.

RCEP là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nguồn: ASEAN Post

RCEP là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nguồn: ASEAN Post

Song song với vấn đề kinh tế, trong thời gian qua với vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam còn hết sức nỗ lực, chủ động xây dựng cộng đồng văn hóa xã hội thông qua việc hoàn thành các văn kiện, sáng kiến về tăng cường an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Có thể thấy, những sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, đã và đang trên đà thực hiện, với quyết tâm chính trị cao, dù thông qua hình thức nào là trực tuyến hay trực tiếp. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp cùng nguy cơ về khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn cầu, bên cạnh tập trung nhân lực để đối phó với đại dịch, Việt Nam còn phải đảm đương trọng trách "chèo lái con thuyền" ASEAN. Thách thức là vô cùng lớn, nhưng Việt Nam đã và đang biến những khó khăn, thách thức đó thành cơ hội để phát huy thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Nam Trần

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/viet-nam-voi-vai-tro-chu-tich-asean-2020-nua-nam-nhin-lai-20200625222206586.htm