Việt Nam vươn lên trên đôi cánh sức mạnh mềm - Bài 2: Tạo sức bật đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Để đạt được mục tiêu như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, cùng với lĩnh vực khác, chúng ta phải tập trung phát triển trụ cột văn hóa. Đây là động lực nhưng cũng là nguồn lực quan trọng tạo đà để Việt Nam 'cất cánh' trong tương lai.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 95,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 44,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2024 lên gần 139,5 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Thế nhưng tính chung 7 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng lên tới hơn 78 nghìn doanh nghiệp, hơn 35,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 11,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Muốn phát triển toàn diện đất nước phải thực hiện đồng bộ phát triển 4 trụ cột: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó ,văn hóa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đầu tiên tạo nền tảng, động lực cho các lĩnh vực khác phát triển.

Muốn phát triển toàn diện đất nước phải thực hiện đồng bộ phát triển 4 trụ cột: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó ,văn hóa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đầu tiên tạo nền tảng, động lực cho các lĩnh vực khác phát triển.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt toàn cầu câu hỏi đặt ra là: Tại sao có những doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định được thương hiệu trên toàn thế giới, nhưng lại có có nhiều doanh nghiệp thất bại đến như vậy? Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tại Hội thảo khoa học "Xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các chuyên gia đã khẳng định: Trong kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp là điều kiện tiên quyết mỗi doanh nghiệp phải đạt được để tồn tại và phát triển. Đó cũng là một phần cấu thành văn hóa của mỗi doanh nghiệp, quyết định sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp. Thực tế ở những doanh nghiệp phát triển, họ ý thức được rằng văn hóa chính là huyết mạch, là tài sản quý giá, là lợi thế cạnh tranh quan trọng bậc nhất và bền vững nhất của doanh nghiệp. Các nhà quản trị đã đúc kết ra rằng, nếu chiến lược được ví như "hạt" thì văn hóa sẽ được xem là "đất". Nếu đất không tốt, dù cố gắng cách mấy, hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được.

Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc của toàn thể các thành viên từ công nhân lao động tới lãnh đạo doanh nghiệp. Trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, không có văn hóa thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại lâu dài và đặc biệt là gặp nhiều thách thức khi phát triển nhanh.

Từ câu chuyện của các doanh nghiệp đã cho chúng ta thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế nói riêng và toàn bộ các lĩnh vực nói chung. Nghị quyết Đại hội Đảng qua các thời kỳ cũng đã khẳng định, muốn phát triển toàn diện đất nước phải thực hiện đồng bộ phát triển 4 trụ cột: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó, văn hóa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đầu tiên cần phải tập trung phát triển để tạo nền tảng, động lực cho các lĩnh vực khác. Đây là thực tiễn và cũng là quy luật được đúc kết không chỉ ở Việt Nam mà của tất cả các nước phát triển trên thế giới. Mọi quốc gia muốn phát triển thành công đều phải bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa.

Nghiên cứu về vấn đề này, Văn kiện đại hội qua các thời kỳ cũng như các chuyên gia đều khẳng định: Giữa văn hóa và kinh tế có mối quan hệ mật thiết, quy định lẫn nhau. Kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho văn hóa phát triển; và ngược lại, văn hóa phát triển tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là cách thức tối ưu để các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển.

Phân tích về mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau giữa kinh tế và văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, với tư cách là động lực của sự phát triển, văn hóa đã tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện, theo hướng nhân văn, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Văn hóa cũng góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh để kinh tế phát triển. Ở đó, con người có điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực sáng tạo, chủ động tham gia tích cực vào đời sống kinh tế. Đồng thời, môi trường văn hóa lành mạnh sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển nền kinh tế thị trường văn minh, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu cũng cho rằng, văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà văn hóa còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa chính là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực tiễn cũng đã chứng minh sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng sâu rộng hơn. Dường như văn hóa đều có mặt và tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, nếu không xử lý tốt mối quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực sẽ tạo ra sự khập khiễng, thiếu bền vững trong phát triển đất nước.

Bàn về vấn đề này, GS,TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Dù đời sống vật chất có được tăng lên do sự tăng trưởng kinh tế đem lại thì cũng chưa phải là đã đạt được mục tiêu cao nhất của phát triển. Chất lượng cuộc sống phải được tính cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu chỉ tăng trưởng kinh tế với bất kỳ giá nào, thậm chí phải hy sinh các mặt khác, như văn hóa, xã hội, xây dựng con người thì sẽ dẫn tới nguy cơ trực tiếp là phá vỡ sự phát triển bền vững, tạo ra rối loạn xã hội. Trong trường hợp đó, có tăng trưởng nhưng không có phát triển, đó là phản phát triển.

GS,TS. Đinh Xuân Dũng cho biết thêm, qua thực tế, các nhà khoa học trên thế giới đã nhận định: Nếu quốc gia nào áp dụng sự tăng trưởng này là sự tăng trưởng "thô bạo", tăng trưởng "mất gốc" hay tăng trưởng "không có lương tâm" và ra xung đột xã hội, sự giảm sút nghiêm trọng về lối sống, nhân cách, tình người, đạo đức, tạo ra "những người nghèo không gốc rễ và những người giàu không lý tưởng", từ đó có thể gây bất ổn về chính trị, văn hóa, xã hội...

Để phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải đi bằng cả "4 chân", trong đó văn hóa phải được quan tâm đầu tiên để tạo nền tảng, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác. Sự phát triển đồng bộ, hài hòa, xuyên thấm vào nhau của 4 trụ cột sẽ tạo được sự phát triển bền vững và ngược lại nếu coi nhẹ, dù ở mức độ nào, một trong 4 trụ cột đó thì sẽ làm rạn nứt và dẫn tới phá vỡ sự phát triển bền vững.

Xác định được mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với sự phát triển của kinh tế cũng như tất cả các lĩnh vực đã khó thế nhưng làm thế nào để kiến tạo nền văn hóa, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của những doanh nghiệp cũng như của các đơn vị, địa phương, đất nước mới là điều quan trọng nhất.

Định hướng về vấn đề này, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…". Trong đó "…phải chú trọng vào nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước". Đại hội XIII cũng chỉ rõ: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại… Xây dựng, hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế."

Nếu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa sẽ trở thành sự phát triển "thô bạo" phản phát triển, gây rối loạn xã hội.

Nếu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa sẽ trở thành sự phát triển "thô bạo" phản phát triển, gây rối loạn xã hội.

Như vậy, muốn xây dựng sức mạnh mềm, văn hóa phải bắt đầu từ việc xây dựng nguồn lực là con người. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Mối quan hệ biện chứng gắn bó mật thiết này đã tạo nên đặc trưng riêng biệt của văn hóa, của sức mạnh mềm Việt Nam.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Toàn bộ mọi thứ trong xã hội đều do con người làm nên. Con người chi phối và quyết định mọi hoạt động trong xã hội. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm của sự phát triển, vì vậy cần phải tập trung xây dựng chiến lược con người. Muốn xây dựng văn hóa, sức mạnh mềm, chúng ta cần tập trung giáo dục, đào tạo con người văn hóa trong các môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội. Ngoài việc xây dựng tâm hồn thể chất thì phải chú trọng tới việc xây dựng sức khỏe, thể lực của con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Muốn có con người khỏe mạnh về tâm hồn, về nhân cách thì trước tiên phải mạnh khỏe về thể xác, nâng cao thể lực con người, lúc đó, ta mới hy vọng con người giải quyết được những vấn đề chiến lược cao cả của đất nước.

Chung quan điểm với PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã khẳng định: Khi đất nước bước vào thời kỳ mới, phải đối diện với những thách thức to lớn bên ngoài, rất cần những động lực mạnh mẽ, nhất là nguồn lực nội sinh, sức mạnh tinh thần của toàn xã hội để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, giải quyết những thách thức của thời đại. Những lúc đó, chúng ta cần phải tập trung thực hiện xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam thời đại mới, hội tụ được những phẩm chất, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 trong tháng 10/2024 có 10 nội dung thành phần, trong đó nội dung: Phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đưa lên vị trí quan trọng đầu tiên.

Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định rõ những chuẩn mực của con người Việt Nam cần gìn giữ và lan tỏa: "Đó là những thế hệ người Việt Nam nồng nàn yêu nước nhưng hết sức nhân văn, yêu chuộng hòa bình; đó là anh hùng trong chiến đấu nhưng tinh tế trong ứng xử; đó là sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, là lòng khoan dung, cởi mở, giàu năng lực tiếp biến ... Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần lớn lao để dân tộc vượt thoát khỏi những thời khắc hiểm nghèo của lịch sử, vượt thoát khỏi những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên; cùng chung tay dựng xây đất nước, cùng ra sức bảo vệ non sông, cùng chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, cùng khát vọng về một cơ đồ tươi sáng "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu cùng với việc xây dựng con người Việt Nam với những chuẩn mực thời đại mới, chúng ta cũng cần: "Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam". Các mặt hạn chế đó cần phải được nhận biết, được phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, cần phải được sửa chữa, khắc phục để cho dân giàu, nước mạnh.

"Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay", một dân tộc sẵn sàng "xẻ dọc trường sơn đi cứu nước"…. Ấy vậy mà trong cuộc sống hôm nay lại vẫn hiện hữu biết bao nhiêu câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử, về sự xuống cấp, băng hoại đạo đức, lối sống… của không ít cán bộ, đảng viên. Qua báo chí và các trang mạng xã hội, chúng ta thấy ngày càng nhiều tình trạng bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội diễn ra trong cuộc sống. Đau lòng thay, có những vụ án mà ngay cả những người thân thích ruột thịt cũng sẵn sàng "xuống tay" sát hại nhau, để rồi dẫn đến những kết cục thương tâm. Rồi những vụ "đại án" mà thủ phạm lại nằm ngay trong "bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống"…

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Đáng quan ngại nhất là một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đang chạy theo lối sống hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ; sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội; chuộng lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích cá nhân tầm thường, dễ dãi; vô cảm trước những nỗi đau và mất mát hy sinh của người khác… Những thói hư, tật xấu như cờ bạc, rượu chè, trọng nam khinh nữ…, tàn dư của xã hội cũ vẫn hiện hữu, len lỏi trong cuộc sống hàng ngày. Xây dựng, phát triển văn hóa, chúng ta phải đặc biệt quan tâm xây dựng con người thời đại mới với những chuẩn mực về đạo đức, lối sống.

Chỉ tính riêng năm 2023 đã có 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; 606 tổ chức đảng; 24.162 đảng viên bị kỷ luật (tăng 12% so với năm 2022). Những con số này là hồi chuông báo động về sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây chính là những "ung nhọt" cản trở sự phát triển và tiến bộ của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, làm xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy đất nước Việt Nam phát triển hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy, muốn "diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa"; nhưng muốn hoa tốt tươi, ngoài việc tưới tắm, chăm bón mỗi ngày, chúng ta còn phải siêng "nhặt cỏ", "bắt sâu". Xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới chính là chúng ta xây dựng "cẩm nang" thiết yếu để "tăng sức đề kháng", tăng sức mạnh nội sinh cho dân tộc, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy các lĩnh vực phát triển.

Chống lại những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu, những tệ nạn, những biểu hiện lệch chuẩn trong xã hội… cũng chính là "chống giặc nội xâm" góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân./.

>> Bài 1: Định vị "thương hiệu Việt"

>> Bài 3: Khơi thông điểm nghẽn , tăng sức mạnh mềm từ đầu tư

>> Bài 4: Kỳ vọng vào "con đường sáng"

>> Bài 5: Vì một Việt Nam "cất cánh"

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/viet-nam-vuon-len-tren-doi-canh-suc-manh-mem-bai-2-tao-suc-bat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20241105103407532.htm