Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình với lực lượng doanh nghiệp làm nòng cốt

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến cuối năm 2023 có 108 nước được phân loại có thu nhập trung bình, với thu bình quân đầu người hàng năm dao động từ 1.136 đến 13.845 đô la Mỹ. Việt Nam chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 và nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2023 khi GDP bình quân đạt khoảng 4.180 USD. Như vậy, để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6 - 6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới.

Doanh nghiệp là lực lượng chính của chặng đường nâng hạng

WB cũng cảnh báo rằng nhiều nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và cả Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” trừ khi các nền kinh tế này đổi mới mô hình tăng trưởng với một chiến lược khôn ngoan, hợp lý để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

WB cũng cho biết kể từ năm 1990 tới nay, có 34 nền kinh tế thu nhập trung bình chuyển sang trạng thái thu nhập cao. Mỗi một nền kinh tế này đều có những đặc thù riêng, cách thức để chuyển sang nấc thang mới về trình độ phát triển, nhưng công thức chung, phổ quát nhất để đảm bảo thành công đó là các nền kinh tế thu nhập trung bình cần đầu tiên tập trung vào mở rộng đầu tư, kế đến là tiếp nhận và hấp thụ công nghệ từ các nền kinh tế khác trên toàn thế giới và sau đó là chuyển sang giai đoạn đổi mới và sáng tạo.

Bí quyết của mỗi bước dịch chuyển sang nấc thang mới này là các cơ chế, chính sách để hình thành một lực lượng doanh nghiệp mạnh, năng động, vừa là lực lượng chính, vừa đóng vai trò trụ cột và vừa là động lực chính cho quá trình dịch chuyển từ trạng thái thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và từ thu nhập trung bình nên thu nhập cao.

Lực lượng doanh nghiệp chính là nhân tố quyết định cho vệc tăng năng suất lao động, đảm bảo việc huy động và sử dụng vốn một cách hiệu quả, và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng. Lực lượng doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định cho việc mở rộng đầu tư, tiếp nhận và hấp thụ công nghệ và tiến hành đổi mới, sáng tạo và là phương tiện để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình và lọt vào nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập cao.

Đầu tư đã đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao

Trong hơn ba thập niên vừa qua, việc mở rộng đầu tư đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp và đang dần tiệm cận ngưỡng các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Trong ba thập niên vừa qua, đầu tư của Việt Nam liên tục được mở rộng, đặc biệt sau khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Nước ngoài và một loạt cải cách về quy định pháp luật khác được thông qua đã tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Những chính sách này được hỗ trợ bởi các biện pháp tháo gỡ các rào cản của môi trường kinh doanh, dỡ bỏ các hạn chế về thương mại nội địa và quốc tế, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Kết quả là cho tới nay đã có một lượng vốn đầu tư đáng kể được đưa vào nền kinh tế bởi hơn 900 ngàn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và hàng chục ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên 63 tỉnh thành của cả nước.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.044,8 tỷ đồng so với năm 2010. Trong mức tăng này, mức tăng mạnh nhất đến từ khu vực tư nhân trong nước và khu vực đầu tư Nhà nước. Đặc biệt, đầu tư của Nhà nước có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Với chính sách mở rộng đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam đã thành công trong giai đoạn đầu để bước vào nhóm thu nhập trung bình cao. Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1986, thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ đạt khoảng 95 USD, thuộc nhóm thu nhập thấp. Đến năm 2009, thu nhập bình quân của Việt Nam đạt khoảng 1.120 USD, chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2023, thu nhập bình quân của Việt Nam đạt khoảng 4.180 USD, chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình cao.

Vượt bẫy bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo

Với mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tăng mức GDP bình quân đầu người ở mức 4.180 USD lên mức 12.696 USD, ngưỡng thu nhập để được xếp vào nhóm các nước có thu nhập cao. Như vậy, Việt Nam cần tăng quy mô của nền kinh tế lên gấp ba lần so với hiện tại đồng thời duy trì mức tăng trưởng dân số như hiện tại. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6 - 6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới.

 Doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tạo nhiều công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Ảnh: Hoàng Anh

Doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tạo nhiều công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Ảnh: Hoàng Anh

Theo World Bank, thu nhập bình quân đầu người của nhóm quốc gia có thu nhập thấp là dưới 1.045 USD, của nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp dao động trong khoảng 1.046 - 4.095 USD, của nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao dao động trong khoảng 4.096 -12.695 USD và của nhóm quốc gia có thu nhập cao là trên 12.696 USD.

Điều này chỉ có thể đạt được khi nền kinh tế Việt Nam trong đó hạt nhân là các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang giai đoạn kế tiếp là đầu tư và hấp thụ công nghệ mới. Điều này bao gồm việc áp dụng các công nghệ từ nước ngoài và phổ biến chúng trên toàn nền kinh tế. 2023 là thời điểm Việt Nam chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình cao và đây chính là thời điểm để nền kinh tế Việt Nam chuyển hướng sang giai đoạn đầu tư, hấp thụ công nghệ mới và đổi mới, sáng tạo. Trong giai đoạn đổi mới sáng tạo này, các doanh nghiệp Việt Nam không còn đơn thuần chỉ vay mượn ý tưởng từ các công nghệ tiên phong trên toàn cầu nữa mà phải có các công nghệ của riêng mình, được phát minh và sở hữu bởi người Việt, doanh nghiệp Việt.

Sự chậm trễ trong việc thoát ly khỏi sự lệ thuộc vào đầu tư và chậm trễ trong việc chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn trên công nghệ, năng suất, và đổi mới sáng tạo sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Thực tế trên nhiều quốc gia cho thấy, chỉ dựa vào đầu tư, mở rộng đầu tư đã khiến nhiều quốc gia phát triển tăng trưởng nhanh trong giai đoạn đầu, và sau đó các động lực tăng trưởng đuối dần và các nền kinh tế đó dần dần hụt hơi, đánh mất động lực để vượt bẫy thu nhập trung bình.

Tăng gấp 3 lần thu nhập bình quân đầu người của mình trong vòng 20 năm tới là một thách thức không hề nhỏ. Để làm được điều này, cũng giống như ví dụ thành công của ba nền kinh tế trên, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt sẽ phải là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò trung tâm. Môi trường kinh doanh, môi trường thể chế và các quy định pháp luật cũng sẽ được tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp chấp nhận mạo hiểm, mở rộng đầu tư và đổi mới sáng tạo. Các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cần có một quyết tâm sắt và những nỗ lực không mệt mỏi để cùng hướng tới mục tiêu này với quyết tâm và tầm nhìn về một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hiện đại hóa, thu nhập cao vào năm 2045.

TS. Lê Duy Bình - Economica Vietnam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-vuot-bay-thu-nhap-trung-binh-voi-luc-luong-doanh-nghiep-lam-nong-cot-post309801.html