Việt Nam xây dựng Luật Chuyển đổi số: 'Luật khó' thế giới chưa có
Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đức Long cho hay, Bộ được giao nhiệm vụ xây dựng Luật Chuyển đổi số - một luật hoàn toàn mới, rất khó, chưa có quốc gia nào làm.
Xây dựng Luật Chuyển đổi số
Tại tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương", Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đức Long cho hay Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế là điều kiện tiên quyết.
“Phải hiểu rằng chuyển đổi số thì phải chuyển đổi là chính. Có nghĩa là chúng ta phải thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh và điều này đòi hỏi thể chế phải đi trước. Nghị quyết 57 còn nêu thể chế phải là một lợi thế cạnh tranh - nghĩa là nó phải có sự khác biệt, phải có sự dẫn dắt, vượt trội so với các quốc gia khác”, ông Long nêu.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đức Long
Ông Long cũng ấn tượng với việc Quốc hội thông qua 5 luật liên quan đến KH-CN tại tại kỳ họp thứ 9. Đặc biệt, cơ chế sandbox trong luật đã giao thẩm quyền cho các bộ ngành địa phương được tự quyết.
“Chuyển đổi số tạo ra mô hình quản trị mới, kinh doanh mới mà không có sandbox thì không làm được, vì những quy định thể chế cũ không phù hợp nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội triển khai, đặc biệt là đi vào sâu vào những sandbox cụ thể cho các xã, phường, tạo được tiện ích cho người dân”, ông Long nói.
Thứ trưởng Long cũng chia sẻ Bộ KH-CN được giao xây dựng Luật Chuyển đổi số. “Đây là một luật rất khó, mới, trên thế giới chưa có ai làm. Nhưng trước nhu cầu, việc cần thiết phải có một hành lang pháp lý chuyển đổi số, chúng ta mạnh dạn xây dựng luật về chuyển đổi số này. Điều này sẽ tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của đất nước”, ông Long nói.
Ngoài ra, ông Long cũng cho biết sẽ tháo gỡ, sửa lại Nghị định 82 quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. “Thực sự là muốn chuyển đổi số, chúng ta phải đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay thể chế của chúng ta khá chặt chẽ, cần phải tháo gỡ”.
'Không có dữ liệu thì không nói đến chuyển đổi số'
Đề cập đến hạ tầng dữ liệu, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh rằng “muốn chuyển đổi số là phải có dữ liệu. Không có dữ liệu thì không nói đến chuyển đổi số, mà chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin thôi”.

Dữ liệu là vấn đề tối quan trọng trong chuyển đổi số
Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa ra mục tiêu: Phải xây dựng 12 cơ sở dữ liệu trọng yếu (hiện nay mới làm được 50%); 116 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành phải đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2025.
“Nếu không có dữ liệu và dữ liệu đó không được chia sẻ xuống cho các địa phương, các xã thì không thể giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho người dân”, ông Long nói và nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống" và đặc biệt là "có thể chia sẻ được".
Ngoài ra, nguyên tắc là người dân, doanh nghiệp chỉ nên cung cấp dữ liệu một lần, sau đó hệ thống phải có khả năng tái sử dụng.
“Dữ liệu phải đạt 100%. Nếu chỉ đạt 95% thì khi vận hành vẫn không thể triển khai được quy trình trực tuyến toàn trình, vì thiếu dữ liệu sẽ làm gián đoạn. Đủ ở đây là 100%, sạch là không sai sót, sống là luôn cập nhật và hữu ích, và đặc biệt là phải chia sẻ được giữa các hệ thống, các đơn vị”, ông Long nêu.
Ông Long cũng đề cập đến một vấn đề rất quan trọng là xây dựng các nền tảng số dùng chung. Hiện nay, Bộ KH-CN đã ban hành 55 nền tảng. Các bộ ngành cũng phải triển khai các nền tảng số chung này để các địa phương được sử dụng, tránh tình trạng tất cả các địa phương cùng phải đầu tư một nền tảng giống nhau, trong khi các bộ, ngành lại không triển khai.
Học vụ số như ngôn ngữ thứ 3
Theo ông Phạm Đức Long, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động phong trào bình dân học vụ số. “Trước đây chúng ta có bình dân học vụ (giai đoạn sau 1945), thì bây giờ chuyển đổi số phải “bình dân học vụ số”. Phải hiểu là học vụ số giống như một ngôn ngữ thứ ba, ngoài ngôn ngữ tiếng Việt, ngoài ngoại ngữ tiếng Anh”, ông Long nhấn mạnh.
Theo đó, trong Luật Chuyển đổi số, Bộ KH-CN cũng đưa ngôn ngữ thứ ba này vào các chương trình giáo dục đào tạo bắt buộc để chuẩn bị cho các thế hệ tương lai và người dân.
“Người dân phải tương tác với máy như một ngôn ngữ thì mới thành thục, mới thực sự sáng tạo”, ông Long nêu.

Bình dân học vụ số tương tự như một ngôn ngữ thứ 3
Ông Long cũng cho rằng vai trò của người đứng đầu là yếu tố then chốt. Người đứng đầu không trực tiếp làm, không trực tiếp sử dụng thì không thể hiệu quả về chuyển đổi số được.
“Người đứng đầu không muốn chuyển đổi, không trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi, không sử dụng kết quả chuyển đổi thì chuyển đổi số chỉ nằm ở khẩu hiệu chứ không đi vào thực tế”, ông Long nói.
Lãnh đạo Bộ KH-CN cũng cho hay chuyển đổi số là một quá trình liên tục.
“Nếu chúng ta coi đó là một dự án đầu tư, làm xong rồi để đó, thì 5 năm hay 10 năm sau chúng ta vẫn đứng yên. Chuyển đổi số đòi hỏi liên tục cập nhật và phát triển. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ trong triển khai mà cả trong vận hành và cải tiến”, ông Long nói.
Theo ông Long, với cơ chế PPP, Nhà nước sẽ là bên nghĩ ra bài toán, cải tiến quy trình, đặt hàng, còn doanh nghiệp là bên thực hiện, vận hành và đảm bảo chất lượng.