Những người chung tay xây nhà tạm, vai gánh trật tự an ninh

Xóa nhà tạm, nhà dột nát - dựng niềm tin ở buôn làng Tây Nguyên là hành trình lớn những lại bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thiết thực nhất. Từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, hàng chục ngàn mái ấm đã mọc lên trên những vùng đất còn nhiều gian khó nơi đại ngàn.

LTS: Tây Nguyên rộng gần 55.000 km², là nơi sinh sống của khoảng 5 triệu người thuộc 54 dân tộc anh em. Cùng với bà con các dân tộc bản địa, Tây Nguyên cũng là nơi người dân khắp nơi đến định cư, lập nghiệp, trong đó phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, tình trạng người dân sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều.

Nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm các tỉnh trong khu vực đều đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây tặng hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết. Sang đến năm 2025 này, xây nhà mới, xóa nhà tạm đã trở thành một cuộc cách mạng khi các ngành, các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm xóa nhà tạm trên phạm vi cả nước. Chương trình có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây những ngôi nhà mới vững chãi mà cả niềm tin trong lòng nhân dân đối với chế độ.

Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an (người mặc quân phục đội mũ) trao tặng 500 căn nhà cho tỉnh Đắk Nông (cũ). (Ảnh: Tuấn Long)

Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an (người mặc quân phục đội mũ) trao tặng 500 căn nhà cho tỉnh Đắk Nông (cũ). (Ảnh: Tuấn Long)

Ngày trung tuần tháng 7, tranh thủ những ngày nắng ráo, Thiếu tá Trần Văn Dũng – Phó Trưởng Công an xã biên giới Quảng Trực (tỉnh Lâm Đồng) cùng đồng đội lại xuống bon Bu Prăng 1A trộn vữa, khuân gạch, xây những căn nhà cuối cùng, để kịp tiến độ bàn giao toàn bộ 66 căn tặng bà con trong xã. Thiếu tá Dũng cho biết, trong bối cảnh tất cả các ban, ngành chuyển sang hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp, khối lượng công việc tổng thể của ngành Công an tăng lên gấp bội. Vì vậy, các anh luôn căng sức để gánh một lúc cả 3 việc: Hành chính, an ninh trật tự và đảm bảo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn hoàn thành theo đúng kế hoạch.

“Công an xã đã họp và phân công nhiệm vụ cho từng tổ để bám nắm các tốp thợ xây theo từng khu vực thôn, bon có các gia đình được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà dột nát. Chúng tôi giám sát công trình với mục tiêu làm sao để cứng hóa như tường cứng, móng cứng và mái tôn đảm bảo. Ngoài ra, thì cũng giám sát tiến độ trao nhà cho bà con vào ở”, Thiếu tá Trần Văn Dũng nói.

Ở địa bàn tỉnh Gia Lai, việc xóa nhà tạm càng bộn bề bởi quy mô hơn 12.500 căn, trong đó có 8.100 căn ở các buôn làng tỉnh Gia Lai cũ và 6.562 căn trong số này do ngành Công an đảm nhận. Để kịp tiến độ, các cán bộ trong lực lượng đã trực tiếp liên hệ hệ nguồn nhân công có tay nghề, các đơn vị cung ứng vật liệu, “tín chấp” chính mình để có nguồn cung vật liệu thông suốt những khi chưa rót kịp kinh phí…

Một số cán bộ còn quyên tặng cả tiền lương tiết kiệm nhiều năm của bản thân. Trung tá Lê Đình Hải – Phó Trưởng Công an xã Ia Pa, tỉnh Gia Lai là một trong số đó, anh là vị khách đặc biệt trong lễ khánh thành căn nhà của bà Kpa Huê, người già neo đơn, tàn tật ở thôn Ma San, xã Ia Pa. Bà Rmah H’đa, Trưởng thôn Ma San cho biết, bà con rất cảm động về nghĩa cử này:

Trung tá Lê Đình Hải, đến chung vui với gia đình bà Kpă H'huê, thôn Ma San, xã Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là căn nhà trị giá 80 triệu do chính an dành dụm tiền lương trao tặng. (Ảnh: Tuấn Long)

Trung tá Lê Đình Hải, đến chung vui với gia đình bà Kpă H'huê, thôn Ma San, xã Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là căn nhà trị giá 80 triệu do chính an dành dụm tiền lương trao tặng. (Ảnh: Tuấn Long)

“Thôn Ma San vừa rồi có 2 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Riêng căn nhà tặng bà K’pă H’Huê do đồng chí Hải hỗ trợ trị giá 80 triệu đồng; một hộ khác được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng. Hiểu được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con trong thôn luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không nghe theo kẻ xấu, luôn đoàn kết xây dựng buôn làng ngày càng đi lên”, bà Rmah H’đa cho hay.

Trung tá Lê Đình Hải cho biết, việc mình quyên tiền tiết kiệm xây nhà tặng dân, một phần vì muốn góp phần tô điểm cho kết quả của chương trình xóa nhà tạm ở địa phương thêm ý nghĩa. Còn lý do nữa, đây là cách hòa nhập với buôn làng của người cán bộ công an ở cơ sở:

“Bà Kpă H’huê là trường hợp khá đặc biệt khi bị tàn tật, ở với người cháu và không có tài sản hay ruộng rẫy lại ở trong nhà gỗ cũ nát. Bà cũng không nằm trong diện xóa nhà tạm, cá nhân tôi khá băn khoăn, nên về bàn với vợ tôi. Tôi bàn và giải thích rõ với vợ tôi rằng mình ở cơ sở ở với dân, bám dân họ hỗ trợ mình hoàn thành nhiệm vụ, và cần làm tặng bà ngôi nhà ở đến cuối đời. Nghe tôi giải thích vợ tôi đã đồng ý, và tôi báo cáo lên Đảng ủy và kêu thợ về xây nhà cho bà”, Trung tá Lê Đình Hải chia sẻ.

Qua rà soát, khu vực Tây Nguyên có khoảng 18.000 hộ khó khăn về nhà ở. Hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm của Chính phủ, các tỉnh đã xây dựng đề án chi tiết, huy động cả nguồn lực ngân sách và xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát ở các địa phương. Lực lượng Công an đã trở thành mũi nhọn trong thực hiện đề án, khi chịu trách nhiệm huy động kinh phí, nguồn cung vật liệu và nhân công, đồng thời trực tiếp đôn đốc tiến độ, giám sát xây dựng hơn 12.700 ngôi nhà. Đến cuối tháng 7, hầu hết những căn nhà mới do lực lượng công an xây dựng, đã được khánh thành, bàn giao cho các hộ sử dụng. Trong niềm vui được dọn đến những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi.

Những căn nhà do Bộ Công an trao tặng đang dần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Tây Nguyên. (Ảnh: Tuấn Long)

Những căn nhà do Bộ Công an trao tặng đang dần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Tây Nguyên. (Ảnh: Tuấn Long)

Chị Y Hạnh Niê ở tỉnh Đắk Lắk xúc động chia sẻ: “Trước đây là có nhà gỗ cũ sập xệ mưa dột lắm, tháng 3/2025 được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, nhà vay mượn thêm 30, và có căn nhà kiên cố. Cả nhà phấn khởi lắm, không lo mưa dột, cảm ơn Bộ Công an và các cấp ngành đã hỗ trợ gia đình".

Chị H’Miên Ayun cho biết: “Tôi vui mừng và phấn khởi lắm, không biết nói gì hơn. Có nhà mới ở rồi, không còn phải chịu cảnh nhà dột nát nữa”.

Biểu dương tinh thần vượt khó, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ, của lực lượng công an cơ sở ở Tây Nguyên, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị bận rộn sắp xếp lại bộ máy tổ chức, lực lượng công an ở cơ sở vừa phải hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vừa theo sát tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát là sự cố gắng lớn.

Việc làm của các chiến sỹ công an ở các tỉnh Tây Nguyên không chỉ giúp hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được vào ở trong những ngôi nhà mới mà còn góp phần xây dựng lòng tin của đồng bào Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước, tin vào tính ưu việt của chế độ.

“Bộ Công an đánh giá cao tinh thần của Công an các tỉnh Tây Nguyên và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ tại đây, với trách nhiệm cao và tinh thần lao động hăng say, nỗ lực hết mình với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, đã gấp rút hoàn thành khối lượng công việc lớn trong xây dựng nhà ở cho người dân. Tôi tin tưởng rằng, với nơi ở mới ổn định, kiên cố, các hộ gia đình sẽ yên tâm lao động sản xuất, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, Trung tướng Phạm Thế Tùng nhấn mạnh.

Tây Nguyên bây giờ đã nối liền với biển. Với những mái ấm vừa được xây tặng, bà con các buôn làng đã nối chắc tới tương lai. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động với những kết quả đã đạt được không chỉ in dấu nhân văn, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới mà còn gợi mở một cách thức huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội để giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Sau sáp nhập, các tỉnh Tây Nguyên đã có rừng, có biển. Việc giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn sớm “an cư” sẽ là đòn bẩy để người dân các tỉnh Tây Nguyên sớm vươn ra biển lớn.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-chung-tay-xay-nha-tam-vai-ganh-trat-tu-an-ninh-post1217963.vov