Việt Nam xếp hạng 38/81 quốc gia tham dự PISA chu kỳ 2022

Kết quả học tập, học sinh nước ta duy trì được vị trí trung bình khá trên thế giới, xếp hạng 34/81 quốc gia tham dự PISA chu kỳ 2022.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chu (Hà Nội) tham gia đánh giá.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chu (Hà Nội) tham gia đánh giá.

Theo đó, Việt Nam đạt mức tương đương với khối OECD (chênh lệch -2,6 điểm Toán; -14,1 điểm Đọc hiểu và -12,6 điểm Khoa học); đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore).

Toán học

Điểm mạnh, toán học là một điểm sáng của trong các kỳ PISA bởi: khả năng giải quyết được các bài toán yêu cầu cơ bản và trên cơ bản; có nền tảng kiến thức Toán học vững chắc và tư duy logic chặt chẽ; có thể áp dụng toán học vào các tình huống thực tiễn, quen thuộc (91,98% đạt từ mức 2 trở lên, là mức cơ bản theo quy định của PISA);

Có tinh thần, ý thức, niềm tin học tập cao - nền văn hóa hiếu học của dân tộc và chuyên cần, kỷ luật trong giáo dục (có công mài sắt có ngày nên kim) đã giúp học sinh tập trung học tập Toán học một cách nghiêm túc;

Chương trình môn Toán học khá chuyên sâu và phong phú, đảm bảo cho học sinh có cơ hội tiếp xúc với các dạng bài tập từ cơ bản đến nâng cao; giáo viên rất chú trọng việc rèn luyện tư duy logic và thường hướng dẫn giải các dạng bài tập đa dạng.

Điểm yếu: Đa số học sinh nước ta gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, đòi hỏi phân tích, đánh giá trong tình huống mới và vận dụng Toán học vào các vấn đề thực tiễn như quản lí tài chính cá nhân hoặc phân tích dữ liệu (chỉ có 17,97% đạt mức độ 5 và 6);

Cách giảng dạy Toán học ở nhiều trường phổ thông còn mang tính truyền thống (chú trọng vào việc làm đúng bài tập, ghi nhớ công thức, quy trình,…), mà ít khuyến khích, phát triển tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, kĩ năng giải quyết vấn đề thực tiễn (trong bối cảnh cá nhân, cộng đồng,…);

Có sự chênh lệch đáng kể giữa thành thị so với nông thôn (chênh lệch 32 điểm), giữa thành thị so với miền núi, vùng xa (chênh lệch 67 điểm), giữa miền Bắc so với miền Trung (chênh lệch 20 điểm) và miền Nam (chênh lệch 17 điểm). Nguyên do chính là bởi còn khoảng cách khá lớn về điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình học sinh, cơ sở hạ tầng trường học, chất lượng giảng dạy của giáo viên…

Đọc hiểu

Điểm mạnh học sinh Việt Nam có nền tảng ngôn ngữ cơ bản vững chắc - thể hiện ở khả năng hiểu chủ đề chính, trích xuất được thông tin cần thiết và suy luận để giải quyết câu hỏi dựa trên văn bản có mức độ cơ bản, trên căn bản (95,11% từ mức 2 trở lên);

Có tinh thần học tập chăm chỉ, nỗ lực vươn lên bởi được rèn luyện kĩ năng đọc hiểu ngay từ giáo dục Tiểu học.

Chương trình giáo dục môn Ngữ văn nhấn mạnh việc rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản, giúp học sinh làm quen với nhiều loại hình văn bản (như đoạn văn, dữ liệu, bảng biểu, tranh, ảnh, quảng cáo…).

Điểm yếu: Phần lớn học sinh gặp khó khăn khi xử lí các văn bản dài, với yêu cầu phân tích, suy luận ở bối cảnh phức tạp, nội dung mới lạ, hay phân biệt giữa sự thật khách quan và ý kiến chủ quan,… (chỉ có 9,27% đạt mức 5 và 6);

Cách thức giảng dạy Ngữ văn ở nhiều trường phổ thông vẫn thiên về ghi nhớ chi tiết sự kiện, tập trung đọc những văn bản liên tục; ít cơ hội đọc văn bản phi truyền thống (như biểu đồ, bảng số liệu, thông tin tích hợp,…); ít khuyến khích rèn luyện kĩ năng đọc hiểu ở cấp độ khái quát, tư duy phản biện và tạo lập quan điểm chủ quan;

Khoảng cách giữa các vùng miền khá lớn (thành thị cao hơn nông thôn 33 điểm, cao hơn miền núi, vùng xa 73 điểm). Một số nguyên nhân là học sinh nông thôn hoặc miền núi, vùng sâu, xa ít cơ hội được tiếp cận các tài liệu phong phú, mức độ hỗ trợ từ môi trường học tập thấp hơn, gia đình có điều kiện kinh tế, xã hội thấp hơn,…

Khoa học

Điểm mạnh, Việt Nam duy trì năng lực Khoa học ở mức trung bình khá so với các quốc gia tham gia PISA, với nhiều học sinh đạt cấp độ 2 và 3, nghĩa là học có khả năng phân tích và giải thích các hiện tượng khoa học trong các ngữ cảnh đơn giản, áp dụng trực tiếp kiến thức khoa học vào các tình huống quen thuộc (97,16% đạt từ mức 2 trở lên);

Chương trình giáo dục phổ thông tập trung mạnh vào các môn Khoa học (Vật lí, Hóa học và Sinh học), giúp học sinh nắm vững các nguyên tắc cơ bản.

Hạn chế: Học sinh gặp khó khăn với các câu hỏi ở cấp độ 5 và 6, nơi cần tư duy phản biện, phân tích sâu và vận dụng kiến thức vào các tình huống phức tạp hoặc mới lạ; khả năng liên kết Khoa học với các lĩnh vực khác (như xã hội, công nghệ) chưa đạt hiệu quả (chỉ có 11,12% học sinh đạt mức 5, 6);

Cách tiếp cận giảng dạy lĩnh vực Khoa học ở nhà trường còn mang tính truyền thống, thiên về ghi nhớ, thông hiểu, giải thích lí thuyết. Các giáo viên thường ít tạo cơ hội để học sinh đặt câu hỏi, giải thích hiện tượng một cách sáng tạo,… Điều này dẫn đến sự hạn chế trong tư duy phản biện, tư duy sáng tạo của học sinh;

Khoảng cách giữa các vùng miền khá lớn (thành thị cao hơn nông thôn 27 điểm, cao hơn miền núi, vùng xa 57 điểm). Nguyên nhân chính là sự thiếu thốn trang thiết bị thí nghiệm và điều kiện học tập ở nhiều trường học, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng sâu xa, khiến học sinh ít cơ hội thực hành và phát triển kĩ năng khám phá khoa học.

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-xep-hang-3881-quoc-gia-tham-du-pisa-chu-ky-2022-post725957.html