Việt Nam xử lý nghiêm những vi phạm về IUU

Theo bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu thẻ vàng được gỡ nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.

Theo dự kiến, hôm nay (29-8), Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) với các địa phương ven biển. Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì.

Trong suốt thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành cùng các địa phương ven biển đã có nhiều nỗ lực nhằm sớm gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt Nam và đã đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về các biện pháp mạnh chống khai thác IUU. Việc triển khai, tuân thủ các quy định này đang được các địa phương ráo riết thực hiện.

Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân và cán bộ hiểu về chống khai thác IUU, sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Ảnh: THANH NHẬT

Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân và cán bộ hiểu về chống khai thác IUU, sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Ảnh: THANH NHẬT

Dự kiến tháng 10 tới, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế và có đánh giá lần thứ tư về thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU. Đây cũng là thời điểm tròn sáu năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy hải sản khai thác của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này như rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản năm 2017, ngoài ra còn có Nghị định 26, Nghị định 42 cùng tám thông tư liên quan. Chính việc này đã giúp định hướng ngành khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững, có trách nhiệm, đáp ứng các quy định của quốc tế cũng như của EC.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, tàu cá xuất/nhập bến, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân và cán bộ hiểu về chống khai thác IUU. Bởi theo ông Tiến, khi bà con ngư dân hiểu được thì sẽ chấp hành pháp luật tốt hơn.

Trước đó, hôm 15-8, trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Việt Nam đến nay vẫn chưa gỡ thẻ vàng thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết việc gỡ thẻ vàng không phải là mục tiêu duy nhất, mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.

“Ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý và bộ sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng. Đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chia sẻ khi đối thoại với Cao ủy của EU về vấn đề gỡ thẻ vàng IUU, phía EU đã chất vấn hai vấn đề. Thứ nhất, nếu không bị áp thẻ vàng thì Việt Nam sẽ khai thác làm kiệt quệ tài nguyên, lúc đó người Việt Nam thiệt thòi hay EU thiệt thòi. Thứ hai, Việt Nam có thấy công bằng hay không khi người vi phạm với người không vi phạm đều như nhau.

N.THẢO tổng hợp

Nguồn PLO: https://plo.vn/da-den-luc-viet-nam-can-xu-ly-nghiem-nhung-vi-pham-ve-iuu-post748942.html