Việt Nam xuất khẩu 4 tỷ USD rau quả, đã đến lúc cần hình thành sản xuất 'có trách nhiệm' để vươn tầm thế giới
Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản thiết yếu, có mặt ở mọi nơi trên thế giới. Thế nhưng, sản xuất và chế biến rau quả thế nào để bảo đảm tính bền vững, sự cân bằng sinh thái, thân thiện với môi trường và phù hợp với các Hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam là thành viên lại là bài toán khó.
Sản xuất thiếu tính bền vững
Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, rau quả là một trong những nhóm nông sản được quan tâm phát triển thường xuyên, thời gian gần đây đạt nhiều tiến bộ trong sản xuất, xuất khẩu với sản lượng ngày một tăng, hình thức chế biến được nâng cấp, cải thiện phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Theo các thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), năm 2020, Việt Nam có tổng diện tích trồng rau quả khoảng hai triệu ha với tổng sản lượng khoảng hơn 25 triệu tấn/năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 60% tổng sản lượng), tiếp theo là vùng Đông - Nam bộ (17%), duyên hải Nam - Trung bộ (15%) và Tây Nguyên (10%).
Cả nước ta hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 800 nghìn tấn/năm và hàng nghìn cơ sở quy mô nhỏ. Dự kiến, xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2021 dự kiến tăng khoảng 5-10% so với năm 2020, đạt khoảng 3,42-3,58 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về canh tác ảnh hưởng đến tính bền vững trong sản xuất rau quả. Đáng chú ý nhất là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hiện vẫn là xu hướng thường thấy trên đồng ruộng nước ta. Theo các nghiên cứu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện có tới 260 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đối với rau quả đang lưu hành trên thị trường như thuốc diệt cỏ, trừ sâu, trừ nấm, vi khuẩn, thuốc điều hòa sinh trưởng, phát triển…
Thực tế, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, thiếu kiểm soát ở nhiều địa phương đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài thiên địch, gây ô nhiễm đất, nguồn nước, hình thành dịch bệnh có hại với khả năng kháng thuốc bảo vệ thực vật.
Quá trình chế biến rau quả tạo ra lượng thứ liệu, phế liệu chiếm tỷ lệ rất cao so với khối lượng nguyên liệu đưa vào sử dụng. Đơn cử như phế liệu sau chế biến của dứa lên tới 40-50%, xoài từ 30-50%, chuối khoảng 20%... Nếu không được xử lý đúng cách mà chỉ đơn thuần thải ra môi trường, đây sẽ trở thành nguồn thức ăn hấp dẫn đối với động vật, côn trùng gây truyền nhiễm bệnh tật.
Ít người biết rằng, các hoạt động sản xuất rau quả còn có tác động nhất định đến hệ sinh thái như: chuyển đổi diện tích đất có rừng để trồng cây ăn quả gây ảnh hưởng đến cấu trúc, cảnh quan các khu bảo tồn thiên nhiên; khai thác đất ngập nước trồng cây ăn quả làm giảm tính đa dạng, ảnh hưởng cấu trúc, chức năng đất ngập nước các khu ven biển.
Đặc biệt, việc xây dựng nhà màng, nhà kính ở mọi địa hình đang phá vỡ cấu trúc không gian cây xanh, gia tăng xói mòn đất. Nhiệt độ khu vực chung quanh nhà kính, nhà lưới cùng bị tăng thường xuyên, bất thường. Mưa ở những nơi có nhiều nhà kính, nhà lưới thường không thể thẩm thấu tự nhiên, gây ngập lụt cục bộ.
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường
Giống với một số mặt hàng nông nghiệp khác, rau quả xuất khẩu buộc phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu từ khách hàng quốc tế. Đối với thị trường châu Âu, nông sản nhập khẩu như rau quả tươi, chế biến sẵn, rượu, ngũ cốc… đều phải thỏa mãn các quy định về giới hạn tồn dư tối đa thuốc trừ sâu (MRLs).
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ cũng đòi hỏi chất lượng rau quả nhập khẩu từ các nước (trong đó có Việt Nam) phải vượt qua những tiêu chuẩn được đưa ra bởi Chương trình Bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ) hay Đạo luật Bảo vệ thực vật (PPA).
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trên thế giới ngày càng dành nhiều quan tâm hơn cho những sản phẩm rau quả được sản xuất "có trách nhiệm" và thân thiện với môi trường, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã mạnh dạn đổi mới quy trình sản xuất, chế biến theo hướng bền vững, bảo đảm nguồn tài nguyên, an toàn sinh thái.
Tại tỉnh An Giang, Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp ANTESCO đã triển khai hệ thống thu hồi phế liệu rau quả sau quá trình chế biến, đông lạnh đạt nhiều dấu hiệu khả quan. Cụ thể, nhà máy đã thu hồi toàn bộ vỏ, nước hoa quả ép thải ra môi trường để nghiền nát hoặc sấy khô làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho gia súc, vừa tiết kiệm 20 triệu đồng chi phí thu gom rác mỗi ngày, vừa hạn chế xả chất thải rắn trực tiếp ra môi trường.
Như vậy, những thay đổi về nhận thức và cách làm của doanh nghiệp trong sản xuất rau quả gắn với bảo vệ môi trường không những có lợi về yếu tố bền vững, mà còn đem lại lợi ích trực tiếp trong kinh doanh. Xét rộng hơn, trách nhiệm từ phía doanh nghiệp đã góp phần cụ thể hóa những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Do đó, cần thiết xây dựng và áp dụng một bộ quy tắc ứng xử về môi trường trong ngành rau quả tại Việt Nam nhằm đưa ra các nguyên tắc, tiêu chuẩn phù hợp về thực hành kinh doanh "có trách nhiệm", hướng tới giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất, chế biến rau quả lên môi trường, tạo nền móng vững chắc cho các mũi nhọn khác của ngành nông nghiệp nước ta trong tương lai.
Dự án “Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho hai ngành cà phê và rau quả ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) triển khai từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2021, với sự tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Thụy Điển.