Việt Nam xuất siêu nông sản nhưng lại nhập siêu vật tư nông nghiệp
Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, hiện đang tồn tại nghịch lý, đó là nông sản xuất siêu, nhưng về vật tư nông nghiệp, Việt Nam lại nhập siêu gấp đôi số lượng vật tư xuất khẩu.
Vật tư nông nghiệp đang bị lạm dụng
Phát biểu tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp toàn diện của ngành vật tư nông nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng ngày 20/12, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, nhóm vật tư nông nghiệp là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số một đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt. Ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64 - 68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành Nông nghiệp.
Theo số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 841 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất sản xuất là 39,25 triệu tấn/năm. Có 24.349 sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận. Đồng thời, có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ lĩnh vực trồng trọt, bao gồm: phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật.
“Về vật tư nông nghiệp, chúng ta đang nhập siêu, nhập gấp đôi số vật tư nông nghiệp xuất khẩu. Điều này cũng trái ngược với thực tế nông sản của chúng ta đang xuất siêu nhiều năm nay” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 8/2023 đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Việt Nam đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD.
Cũng theo ông Ngọc, vấn đề nổi cộm hiện nay là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao và tiếp tục thúc đẩy hậu quả của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm thiếu kiểm soát thêm sâu sắc. Ngân hàng Thế giới đánh giá, nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.
Sửa đổi mức thuế, giúp giảm giá thành sản xuất phân bón
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam kiến nghị, nhiệm vụ trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân.
Đề nghị các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón uy tín trong nước nỗ lực sản xuất và cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất.
“Cần kiến nghị Quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt phần quy định về sản xuất và kinh doanh phân bón tại Luật thuế 71 (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp” - ông Ngọc đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đối với việc sửa đổi Luật thuế 71, cần chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%.
Cùng với đó, cần xem xét sửa đổi nội dung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu. Giữ lại phân bón cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng kiến nghị cần thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay nông dân. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để vừa giảm chi phí sản xuất, đồng thời giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm.