Viết nên những câu chuyện đẹp về hình ảnh người lính biên phòng nơi biên giới Tây Nam

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình đã điều động 40 cán bộ, chiến sĩ tăng cường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An. Gần nửa năm qua, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực vượt lên những khó khăn, hiểm nguy, sát cánh cùng đồng đội thực hiện tốt 'nhiệm vụ kép': vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hành động dấn thân của họ đã viết nên những câu chuyện đẹp về hình ảnh người lính biên phòng miền đất Cố đô trên tuyến đầu chống dịch.

Những bước chân lặng thầm trong đêm của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây (Long An) chính là những "lá chắn thép", góp phần bảo vệ sự bình yên cho đất nước, cho nhân dân. Ảnh: Quốc Việt

Những bước chân lặng thầm trong đêm của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây (Long An) chính là những "lá chắn thép", góp phần bảo vệ sự bình yên cho đất nước, cho nhân dân. Ảnh: Quốc Việt

Kỳ 1: Mệnh lệnh từ trái tim

Nhận mệnh lệnh, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Ninh Bình đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ, bởi với họ, đó không chỉ là mệnh lệnh của cấp trên, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim: Bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân"!

Nỗi niềm riêng gác lại

Đồng chí Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Chủ nhiệm Chính trị- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, cuối tháng 3/2021, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã quyết định điều động 40 đồng chí là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Long An.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ được tăng cường phải luôn nêu cao trách nhiệm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"- coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình hiện nay.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, đoàn kết quân- dân, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ngăn chặn các trường hợp vượt biên, xâm nhập trái phép, đảm bảo công tác phòng, chống dịch nơi tuyến biên giới.

Nhận mệnh lệnh lên đường, gác lại nỗi niềm riêng, những người lính quân hàm xanh của miền đất Cố đô Hoa Lư đã xung phong tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 với mong muốn sớm được chia sẻ khó khăn cùng đồng đội để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, cho Tổ quốc. Trong số đó có đại úy Lê Văn Thuận, cán bộ Ban Chính trị (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh).

Sinh năm 1988, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Lê Văn Thuận từng có 3 năm công tác tại tỉnh Phú Yên. Anh cũng mới được chuyển về đơn vị gần nhà cách đây chưa lâu. Cuộc sống gia đình riêng của anh gặp nhiều khó khăn: vợ không có việc làm ổn định, hai con còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi lớn và hiện tại anh chị vẫn chưa có nhà riêng để ở.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ý thức trách nhiệm người lính, anh Thuận đã xung phong lên đường nhận nhiệm vụ. "Là lính biên phòng, tôi đã quen với việc đi công tác xa nhà, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ đến Long An. Xác định nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ an toàn tính mạng cho Nhân dân, đó cũng chính là bảo vệ an toàn cho những người thân yêu nơi quê nhà, vì vậy tôi và các chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ở bất cứ đâu khi Tổ quốc cần"- Đại úy Lê Văn Thuận cho biết.

Cũng như bao chiến sĩ khác trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình, khi được thủ trưởng thông báo về chủ trương tăng cường lực lượng, "chia lửa" với biên giới Tây Nam, không chút đắn đo, Trung úy Dương Văn Tặng, Ban Hậu cần (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) đã tình nguyện xung phong lên đường.

Mặc dù với anh, cuộc sống gia đình riêng vẫn còn bộn bề khó khăn: hai vợ chồng trẻ, mới kết hôn; vợ đang mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng và hiện tại cả hai phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ. Trung úy Dương Văn Tặng tâm sự: Cuộc chiến chống dịch bệnh đang rất phức tạp, hơn lúc nào hết, các đồng đội, nhân dân biên giới Tây Nam đang cần sự trợ giúp của những người lính biên phòng ở khắp mọi miền Tổ quốc, trong khi đó, mình có sức trẻ, có nhiệt huyết, có tri thức thì không thể "khoanh tay" đứng nhìn!

Mỗi người lính tăng cường đều xác định dịch bệnh còn dài, và chưa biết khi nào hết dịch để về. Nhưng với phương châm "chống dịch như chống giặc", các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng tỉnh đã luôn xác định cho mình tâm thế: bám sát biên cương, ngăn nguy hiểm tràn về!

Căng mình nơi chốn biên thùy

Là tỉnh có đường biên giới khá dài với nước bạn Campuchia, Long An hiện có nhiều đường ngang, lối mở, nhiều tuyến qua rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ,… nên nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập rất cao. Đây cũng là một trong những địa phương được xác định là trọng điểm của cả nước trong đấu tranh ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch COVID-19.

Ở biên giới Tây Nam nói chung, tuyến biên giới tỉnh Long An nói riêng, điều kiện sinh hoạt còn rất khó khăn. Nhiều chốt trạm, điểm canh trực dã chiến còn tạm bợ, nhiều điểm nằm trong rừng sâu, khu vực hẻo lánh, có nơi không có điện, nước sinh hoạt, sóng di động… Trong khi đó, hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp và tinh vi nên công tác canh trực, tuần tra bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch COVID-19 gặp rất nhiều trở ngại. '

Đại úy Lê Văn Thuận kiểm tra thân nhiệt cho người dân qua lại khu vực biên giới. Ảnh: Quốc Việt

Đại úy Lê Văn Thuận kiểm tra thân nhiệt cho người dân qua lại khu vực biên giới. Ảnh: Quốc Việt

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với đại úy Lê Văn Thuận- hiện anh đang được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây (Bộ Chỉ huy BĐPB tỉnh Long An) và được biết: Thời điểm này, dịch bệnh trên địa bàn nơi anh đóng quân nói riêng và khu vực tỉnh Long An có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm từ nguồn nhập cảnh trái phép rất lớn.

Hàng ngày, anh cùng đồng đội chia ca trực, thay phiên nhau tổ chức canh gác 24/24 giờ tại các chốt nhằm quản lý xe ra -vào; duy trì tuần tra, kiểm soát biên giới, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm nhập biên giới trái phép cũng như các nguồn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vào nội địa.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tuần tra, canh gác, các chiến sĩ còn tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Đồng thời tích cực tuyên truyền, giúp bà con phòng, chống dịch bệnh. Do thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên trên địa bàn thuộc khu vực đơn vị đóng quân hiện tại vẫn duy trì vùng an toàn xanh, không để dịch COVID-19 lây lan cộng đồng.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra canh gác, trung úy Dương Văn Tặng và đồng đội còn tích cực tăng gia sản xuất, góp phần bảo đảm sức khỏe cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt. Ảnh: Quốc Việt

Ngoài nhiệm vụ tuần tra canh gác, trung úy Dương Văn Tặng và đồng đội còn tích cực tăng gia sản xuất, góp phần bảo đảm sức khỏe cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt. Ảnh: Quốc Việt

Chốt Quản lý, bảo biên giới và phòng chống dịch COVID-19 nơi anh Thuận được phân công làm nhiệm vụ có 10 người, đa phần là các cán bộ, chiến sĩ tăng cường đến từ tỉnh Tiền Giang và Nam Định, anh là người Ninh Bình duy nhất trong chốt. Do chốt mới được xây dựng nên hiện tại vẫn chưa có điện và chưa có nước sinh hoạt.

Để khắc phục, cán bộ, chiến sĩ đã phải tranh thủ lúc nghỉ nhờ nhà dân để tắm giặt, sạc điện thoại. "Những lúc nhớ nhà, muốn gọi điện cho gia đình, tôi phải cầm điện thoại di chuyển nhiều nơi để "bắt sóng", mà ở biên giới sóng cũng chập chờn, nhiều lúc không gọi được"- anh Thuận chia sẻ.

Thời tiết trên tuyến biên giới Tây Nam cũng là một trong những tác nhân gây nhiều khó khăn đối với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng.

Theo trung úy Dương Văn Tặng: Khi các cán bộ, chiến sĩ ở Ninh Bình được cử vào tăng cường cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Long An cũng là lúc bắt đầu vào hạ, ban ngày trời nắng nóng nóng như đổ lửa, tận đêm khuya mới dịu nhẹ.

Còn hiện nay, khi bước vào mùa mưa, thời tiết rất cực đoan, những cơn mưa giông bất chợt thường đi kèm sấm sét, ban đêm nhiệt độ giảm rất nhanh và giảm sâu. Trong khi đó, các chốt thường là chòi nhỏ được dựng bằng những tấm tôn, bạt, nên khi mưa to, gió lớn cán bộ, chiến sĩ ai nấy cũng đều bị ướt, cảm nhận được cái lạnh thấu xương.

Tuyến biên giới đơn vị tôi (Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây) được giao tuần tra, kiểm soát lại qua rừng tràm rậm rạp, rắn rết, muỗi vắt nhiều vô kể; mà chỉ cần ít phút lơ là thôi thì các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép sẽ nhanh chóng vượt qua đường biên, nhất là vào ban đêm....

Mặc dù thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, việc ăn ở, sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, song suốt thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình vẫn kiên cường bám trụ, phối hợp các lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát, thật sự là "lá chắn thép" phòng, chống dịch trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Sự kiên cường, mạnh mẽ của người lính như tiếp thêm sức mạnh vào niềm tin chống dịch của những người thân nơi quê nhà để sớm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Đinh Ngọc

(Còn nữa)

Ngày 25/3/2021, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt, giao nhiệm vụ cho 40 cán bộ, chiến sĩ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tăng cường cho BĐBP Long An thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/viet-nen-nhung-cau-chuyen-dep-ve-hinh-anh-nguoi-linh-bien/d20210823082942197.htm