Viết tiếp câu chuyện 'Cô gái sửa đường'

Một sáng sớm, chị Nguyễn Thị Minh (ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) gọi cho tôi, giọng nửa mừng, nửa lo. Mừng là vì từ những bài viết của tôi, chị được Đài Truyền hình Việt Nam mời làm nhân vật cho chương trình 'Người bạn đường'. Nhưng cái mừng thoáng chốc qua đi, chị lại lo lắng nhiều điều…

Chị Minh tìm vật liệu để vá đường

Chị Minh tìm vật liệu để vá đường

Được mời ra Hà Nội, quyết định đầu tiên của chị là… từ chối. Chị ngại đi xa, ngại kể về mình. Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh động viên, chị mới rụt rè nhận lời. Lần đầu tiên ngồi máy bay, chị cảm thấy căng thẳng đến mức chỉ muốn quay trở về nhà. Lần đầu tiên rời vùng Bảy Núi đến với thủ đô, cái gì cũng lạ với chị. Lần đầu tiên đứng trong trường quay, trước rất nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, bao nhiêu hoạt ngôn ngày thường của chị rơi rớt đâu mất…

Nhưng người phụ nữ 44 tuổi ấy có thể làm những điều không phải ai cũng làm được. Gần 1 thập kỷ qua, vóc dáng nhỏ gầy của chị gánh từng bao xi-măng, cát đá, gánh luôn cả lời chê khen của người đời. Chị trút tất cả vào những “ổ gà”, “ổ voi” của đường quê, lấp đầy mối nguy hiểm trên con đường. Một mình chị tất bật lo chuyện nhà, dành dụm tiền bạc để lo chuyện… thiên hạ.

Ít đi xa trải nghiệm cuộc sống đó đây, nhưng chị biết rành đường lớn, đường nhỏ quê mình, thuộc làu vị trí xuống cấp của mỗi con đường. Sợ đi máy bay, nhưng chị kiên cường gắn bó cùng chiếc xe máy cà tàng, với chiếc xe kéo nặng nề, vượt khó rong ruổi hết ngày này đến ngày khác.

Trước đây, chị vẫn là một phụ nữ nông thôn điển hình: Không làm thuê thì cũng nấu tàu hũ tại nhà, chăm sóc gia đình. Nhà đơn chiếc, chỉ đủ ăn hàng ngày, nên chị quẩn quanh cùng cuộc sống của mình. Chị sống ở huyện nghèo, đường sá hư chỗ này, sụp chỗ kia, nhìn riết cũng quen, cũng chỉ có thể tặc lưỡi đồng hành.

Nhưng một đêm bất trắc đã thay đổi tư duy và hành động của chị. Chuẩn bị đi ngủ, chị nghe ồn ào về tai nạn xe gần đó. Con đường chi chít “ổ gà” cộng với trời tối, một cô gái bị té ngã. Ráng chạy về nhà ở tỉnh Kiên Giang, cô gái ấy tử vong.

“Biết được tin này, tôi bần thần mấy ngày trời. Người còn sống sờ sờ khỏe mạnh, bỗng dưng mất đi chỉ vì “ổ gà” trên đường. Rồi sau này, bao nhiêu lượt người gặp nạn nữa đây? Kể cả bản thân mình, có may mắn tránh thoát được nguy hiểm chực chờ trên đường?” - chị Minh tự hỏi.

Câu hỏi ấy thôi thúc ngày càng nhiều, buộc chị phải làm điều gì đó cho khuây khỏa. Chị bắt đầu vác bao đi lượm xà bần, đá xây dựng về đổ xuống “ổ gà”. Vác không nổi, cũng phải bặm môi gắng sức mà vác. Bàn tay chị dẫu đã quen việc nặng, nhưng nặng đến mức này thì chưa từng. Vậy nên, những vết xước, vết trầy, vết chai xuất hiện triền miên. Chị học theo mấy người thợ hồ, trộn xi-măng vá đường. Chỉ có điều, chị làm sai “công thức”. Cực khổ lui cui ngoài trời nắng cả buổi, tưởng vá xong rồi, ai dè xe chạy ngang văng tung tóe. Chị thở dài: Dã tràng xe cát…

Thấm thoắt 8 - 9 năm, “dã tràng” nhọc lòng với những con đường, và đã làm nên “công cán”. Chị biết cách vá đường bằng xi-măng thuần thục, thậm chí sử dụng nhựa đường để tăng độ bền. “Nâng cấp” lên nhựa đường thì da mặt chị phải chịu thêm một lớp sạm nám, bởi sức nóng hầm hập của nhựa quện với nắng của trời khắc nghiệt. Phụ nữ đều thích xinh đẹp, chị cũng vậy. Khi vết nám nhiều hơn, đen đúa hơn, chị bớt soi gương, bớt bận tâm. Vẻ ngoài của mình xuống cấp một chút, mà con đường được nâng cấp một chút, xem như chị mãn nguyện rồi.

Chị không nghĩ rằng mình gắn bó với công việc này lâu đến vậy, đến mức chuyên nghiệp - theo cách nói vui của chị. Thời gian làm mọi người dần thay đổi suy nghĩ, người thương nhiều lên, người ghét ít đi. Họ góp tiền, góp sức, góp tình cảm để chị thêm động lực và điều kiện vá đường. Họ trìu mến gọi chị là “cô gái sửa đường”. Điện thoại của chị cứ đều đều nhận được thông tin nhờ vá chỗ này, sửa chỗ kia.

Hôm trước, đồng hành cùng chị Minh là chị Phạm Thị Chi (29 tuổi, ngụ cùng xã). Hai người phụ nữ ì ạch vác vật liệu xây dựng, chở từng chuyến trên chiếc xe máy cũ kỹ. Trời thì chút nắng, chút mưa, nên việc vá đường cũng chút làm, chút nghỉ. Lần sau khi tôi đến, bạn đồng hành của chị Minh là bà Phan Thị Hậu (63 tuổi). Vẫn là hai phụ nữ, một già một trẻ, vất vả xóa bỏ từng vết thương của con đường.

“Nhà tôi cũng giống như Minh, không khá giả gì, quanh năm làm thuê, mướn. Nhưng thấy Minh cực khổ làm một mình, tôi tranh thủ lúc rảnh rỗi đi theo phụ tiếp. Già thì già, chứ tôi vẫn còn sức khỏe lắm nhen!” - bà Hậu cười thật tươi.

Trời bắt đầu nắng gắt. Bà Mai Thị Chanh đem 2 ly nước mát lạnh ra gửi cho chị Minh và bà Hậu uống lấy thảo. “Nhiều khi đường bị hư trước cửa nhà, người ta còn mặc kệ, huống chi vá đường thiên hạ. Biết chị Minh tự gom góp tiền, tự bỏ sức ra vá đường, bà con nể phục, quý mến. Nếu có gặp chị trên đường, mọi người ghé gửi vài chục ngàn đồng tiền xăng, nước uống cho chị Minh, thay cho lời cám ơn. Chị ăn bánh mì không, ăn cơm khô khan, lấy tiền dành dụm mua vật liệu vá đường” - bà Chanh chia sẻ với chúng tôi.

Khi tôi hỏi về nỗi lo sau ngày đi Hà Nội tham dự chương trình tọa đàm, chị Minh giãi bày: “Bà con hay chọc tôi là đã nổi tiếng toàn quốc rồi. Được báo chí, địa phương khen ngợi, tôi vui lắm. Nhưng tôi lo mọi người cho rằng tôi đánh bóng tên tuổi, muốn được nổi tiếng nên bày ra mấy chuyện này. Tôi sợ mình ăn nói vụng về, bà con xa gần chê khen”.

Trong câu chuyện tương lai, chị chưa nghĩ đến phương án “về hưu”, vì còn nhiều con đường cần vá. Vẫn mong ước cũ, chị muốn mình đủ sức, đủ khả năng để tiếp tục làm công việc này lâu dài. Nếu nhà nước đầu tư nâng cấp đường khang trang rồi, chị sẽ lui vào vá những con đường ở quê, đường nhỏ. Với chị, đó là cách cụ thể nhất để chị minh chứng tấm lòng yêu người, yêu quê của mình!

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/viet-tiep-cau-chuyen-co-gai-sua-duong--a357609.html