Viết tiếp những trang 'giáo án vàng'

Cánh cửa khép hờ, tôi gõ nhẹ rồi bước vào. Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ là Trung tá Phạm Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Khoa Triết học Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị.

Giọng thầy ấm áp, thi thoảng nở nụ cười hiền hậu. Qua chuyện kể, tôi như được giở những trang sách cuộc đời của người thầy trên hành trình lái đò tri thức nhọc nhằn nhưng rất vẻ vang.

Tìm chân lý từ những điều giản dị

Căn phòng làm việc của thầy Hậu có nhiều sách. Tôi lần theo những gáy sách xếp ngay ngắn trong tủ. Toàn sách nghiên cứu chuyên ngành triết học, rồi bài giảng, tài liệu tham khảo. Ánh mắt dừng lại bên vuông giấy màu vàng có nét chữ son thư pháp Việt. Tôi hỏi: “Thầy trọng chữ “phúc” đúng không ạ?".

Thầy Hậu mỉm cười: “Vâng, đó là mong ước cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa, mình là nhà giáo, muốn tích phúc để trao truyền những điều tốt đẹp tới mọi người”. Nghe thầy tâm sự, tôi mới nói rằng: “Chữ "phúc" ghép với tên thầy thành "phúc hậu". Thầy bảo: “Người dạy triết học thì luôn tin vào chân lý. Mọi thứ trên cuộc đời này đều có quy luật, chẳng có gì là tự đến cả. Mình hiểu và vận dụng đúng sẽ thành công”.

Nói đến triết học, nhiều người cho là trừu tượng, khó, khô, nhưng với thầy Hậu thì đó là một chân trời mà khi bước đi sẽ tìm thấy ánh sáng. Dẫu biết rằng không có con đường nào trải hoa hồng nhưng biết vượt qua trở ngại thì sẽ thành công. Triết học Mác-Lênin là đỉnh cao của triết học nhân loại. Thế nhưng làm thế nào để học viên hiểu được đỉnh cao đó?

Thầy Hậu diễn giải nhẹ nhàng: “Triết học khó hay không trước hết phụ thuộc vào người thầy. Phải biến cái trừu tượng, khô khan thành cái đời thường, dễ hiểu. Chẳng hạn khi học viên mới nhập môn, tôi sẽ đọc mấy vần thơ: "Biện chứng của tự nhiên là ngày nối tiếp đêm/ Là vì sao sông suối bên lở, bên bồi/ Là vì sao nước trôi về xuôi nước lại về nguồn”.

 Trung tá Phạm Văn Hậu (thứ ba, từ trái sang) trao đổi nội dung bài giảng với học viên.

Trung tá Phạm Văn Hậu (thứ ba, từ trái sang) trao đổi nội dung bài giảng với học viên.

Câu chuyện dẫn dắt về những ngày học phổ thông. Trong khi các bạn thích toán, lý, hóa thì nam sinh Phạm Văn Hậu của Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) lại thấy hào hứng với môn Giáo dục công dân. Bởi ở đó có những luận điểm, tư tưởng triết học được diễn giải bằng những điều dễ hiểu trong cuộc sống thường ngày.

Thế rồi khi đỗ vào Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị), học viên Phạm Văn Hậu được tiếp cận với môn triết học. Những nguyên lý, phạm trù, quy luật được giảng viên diễn giải sinh động, gợi mở trong đầu chàng học viên sĩ quan thật nhiều ý tưởng. Và rồi từ những tiết học như vậy đã nhen nhóm ước mơ.

Đến một ngày, học viên Hậu được giảng viên gặp gỡ rồi hỏi: “Em nghĩ thế nào về nghề giáo?”. Anh trả lời: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. “Có bao giờ em nghĩ sẽ đứng trên bục giảng?”. “Dạ, em luôn mơ ước điều đó”. Thì ra ước mơ ấp ủ bấy lâu mới có dịp thổ lộ. Phạm Văn Hậu được tuyển vào lớp giáo viên triết học thử nghiệm đầu tiên của Học viện. Sau khi ra trường, đi thực tế 3 năm ở đơn vị cơ sở, Trung úy Phạm Văn Hậu trở thành giảng viên của Khoa Triết học Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị.

Đến nay, sau 15 năm đứng trên bục giảng, thầy Hậu đã “truyền lửa” tình yêu triết học cho hàng nghìn học viên. Mỗi bài giảng cứ dày dặn thêm nhờ những tri thức mà thầy tích lũy được. Một niềm tin sâu sắc nữa đó chính là bệ đỡ truyền thống của nhà trường. Nơi đây có những người thầy áo vương mùi khói súng bước lên giảng đường. Cũng từ mái trường có những học viên tình nguyện lên đường chiến đấu. Tất cả đã cùng nhau viết nên những trang “giáo án vàng” có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà trường và chiến trường, giữa lý luận và thực tiễn. Thấu hiểu điều đó, với danh dự của một nhà giáo và tình yêu sự nghiệp "trồng người", thầy Hậu đã viết tiếp những trang “giáo án vàng” của Trường Sĩ quan Chính trị.

Hành trình khơi nguồn tri thức

Ánh đèn tỏa rạng làm bừng khuôn mặt và vầng trán cao. Trên bàn là tập giáo trình “Triết học Mác-Lênin” do Trung tá Phạm Văn Hậu làm Chủ nhiệm được Tổng cục Chính trị nghiệm thu đạt kết quả tốt. Để có được những trang sách phục vụ giảng dạy, thầy cùng đồng nghiệp phải mất rất nhiều ngày miệt mài biên soạn. Viết thế nào để học viên đọc và hiểu được?

Câu hỏi đó khiến thầy Hậu trăn trở. Những buổi thảo luận, thầy ngồi trao đổi với học viên thật cụ thể, chi tiết. Những buổi lên giảng đường, thầy lắng nghe ý kiến của học viên. Điều gì vướng mắc, điều gì khó hiểu, thầy đã nắm được. Khi biên soạn, thầy Hậu vận dụng kinh nghiệm giảng dạy để có những trang giáo trình triết học phù hợp với đối tượng học viên.

Trên hành trình khơi nguồn tri thức, khó khăn, vất vả là khó tránh khỏi. Tôi hỏi: “Đã có khi nào thầy thấy mệt mỏi?”. Thầy nói một cách hình tượng: “Việc học như chèo thuyền nước ngược, ngưng tay chèo, thuyền lại trôi xuôi”. Vẫn là những lý lẽ nhưng lại dễ hiểu. Chèo thuyền đã vất vả, lại chèo ngược nước thì nhọc nhằn vô cùng. Nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân”, thầy không cho phép mình buông xuôi mà phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua những “thác ghềnh” trong hành trình vươn tới đỉnh cao tri thức.

Những giáo trình: “Mỹ học Mác-Lênin” (dùng cho đào tạo cán bộ Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia); “Tư tưởng triết học của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin trong các tác phẩm tiêu biểu” (dùng cho đào tạo sau đại học ngành triết học) đã được viết ra từ chính lòng yêu nghề của thầy Phạm Văn Hậu.

Say mê sáng tạo, thầy Hậu còn tìm thấy những vấn đề cần phải làm sáng tỏ khi nghiên cứu khoa học. Ở môi trường sư phạm, thầy tìm hiểu và thấy công tác quản lý tư tưởng là một nội dung quan trọng. Tuy nhiên, một số lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức. Thế nên, việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tư tưởng có lúc chưa sát, đúng, kịp thời. Nhìn nhận vấn đề đó, Trung tá Phạm Văn Hậu đã chọn nội dung “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý tư tưởng của cán bộ quản lý học viên ở các học viện, trường sĩ quan Quân đội” làm đề tài nghiên cứu cấp Bộ Tổng Tham mưu. Có nhiều đề xuất phù hợp với các học viện, trường sĩ quan, vì vậy, đề tài được nghiệm thu đạt xuất sắc.

Trưởng thành từ học viên đào tạo giáo viên cho đến khi đứng trên bục giảng, thầy Hậu hiểu về môi trường sư phạm. Đề cập đến vấn đề này, tôi hỏi: “Thầy nhận thấy môi trường học tập của nhà trường còn điều gì phải suy nghĩ?”.

Câu hỏi của tôi chạm đến vấn đề bấy lâu thầy trăn trở, thầy chỉ ra những điều còn tồn tại mà sau nhiều năm công tác nhận thấy. Đó là hoạt động giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa thu hút các giảng viên trẻ tham gia; việc giao lưu, hợp tác của giảng viên trẻ với cơ sở giáo dục trong và ngoài Quân đội còn ít... Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, đề tài “Xây dựng môi trường học tập của giảng viên trẻ ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay” được hình thành. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần cung cấp luận cứ khoa học giúp các cơ quan, đơn vị vận dụng xây dựng môi trường học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Trường Sĩ quan Chính trị.

Miệt mài nghiên cứu, thầy Hậu đã chủ trì và tham gia hàng chục công trình có chất lượng, được áp dụng vào thực tế công tác. Đạt được nhiều thành công trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng thầy Hậu lại hết sức khiêm nhường khi nói về mình. Thầy tâm sự: “Mình còn phải cố gắng nhiều, bởi biển học vô bờ, lấy chuyên cần làm bến”.

Nói về Trung tá Phạm Văn Hậu, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị nhận xét: “Giảng viên Phạm Văn Hậu nhiệt tình, tận tâm với công tác chuyên môn, biết truyền cảm hứng cho học viên trong quá trình giảng dạy. Với đức tính điềm đạm, ứng xử hài hòa, thầy Hậu được đồng nghiệp, học viên quý trọng”.

Với sự nỗ lực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Trung tá Phạm Văn Hậu đã được tặng: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liên tục (2019-2021), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 2021), danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân (năm 2022), danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng (năm 2022).

Bài và ảnh: VŨ DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/viet-tiep-nhung-trang-giao-an-vang-748446