Viết tiếp truyền thống người thợ mỏ

Công ty Than Khánh Hòa-VVMI là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP, có trụ sở đặt tại xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Những người thợ mỏ hôm nay.

Những người thợ mỏ hôm nay.

Cách đây 70 năm, ngày 24/9/1949, được sự đồng ý của Chính phủ, Nha khai khoáng và Công nghệ quyết định thành lập Xí nghiệp than Lam Sơn, bao gồm: Mỏ Quán Triều (Mỏ Khánh Hòa ngày nay) và Mỏ Làng Cẩm do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý. Đây là mỏ than ra đời đầu tiên trong chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược, tập thể cán bộ, công nhân mỏ than Khánh Hòa đã ra sức thi đua để vừa chiến đấu bảo vệ vùng mỏ, vừa tập trung khai thác nhiều than để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cung cấp đủ than phục vụ các nhu cầu thiết yếu.

Năm 1954, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ khai thác than để phục vụ tiếp quản Thủ đô. Vùng mỏ Quán Triều lúc đó đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi. Đó là những ngày hội lao động quên thời gian để sản xuất than góp phần thắp sáng Thủ đô trong ngày giải phóng. Chỉ hơn 1 tháng, mỏ đã khai thác và vận chuyển được 1.320 tấn than cung cấp cho nhà máy điện Yên Phụ. Ngày 10/10/1954, quân đội Việt Nam tiến về giải phóng và tiếp quản Hà Nội, thủ đô của chúng ta vẫn rực rỡ ánh đèn điện và cờ hoa trong ngày nhân dân đón mừng Chính phủ và Bác Hồ kính yêu.

Năm 1967, trong khí thế sục sôi chống Mỹ của quân và dân cả nước, mỏ than Quán Triều được vinh dự đổi tên là Mỏ than Khánh Hòa (tên của tỉnh Khánh Hòa thuộc miền Nam, là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái). Năm 1970, Mỏ than Khánh Hòa được chuyển về Công ty than Việt Bắc. Năm 1973, Mỏ lại trực thuộc Bộ Điện và Than. Năm 1974, Mỏ than Khánh Hòa, Phấn Mễ cùng với Mỏ Núi Hồng, Nhà máy cơ khí Việt Bắc được Bộ quyết định gộp thành “Mỏ than Bắc Thái”.

Ngày 1/7/1980, Mỏ than Khánh Hòa được chuyển về trực thuộc Công ty than III (tiền thân của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc ngày nay). Thực hiện lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, tháng 5-2006, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 1371/QĐ-BCN về việc chuyển đổi Xí nghiệp than Khánh Hòa thành Công ty TNHH MTV than Khánh Hòa.

Để tận thu đá vôi thải trong quá trình sản xuất than, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Quán Triều với công nghệ sử dụng đá vôi thải mỏ Khánh Hòa, được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho phép đầu tư và Bộ Xây dựng chấp thuận theo Văn bản số 2589-VLXD, ngày 30/11/2006. Từ năm 2011 đến nay, hàng năm Công ty cấp cho Nhà máy xi măng Quán Triều trung bình 700.000 tấn đá vôi thải, đã góp phần giảm giá thành sản xuất xi măng, đồng thời tạo điều kiện để Công ty giảm bớt nhu cầu sử dụng đất để đổ thải.

Năm 2009, sản xuất than lộ thiên gặp khó khăn do hạn chế diện sản xuất. Để có cơ sở nghiên cứu khai thác hầm lò sâu với công suất lớn, tận thu tối đa nguồn tài nguyên, với điều kiện địa chất rất phức tạp, Công ty đã thực hiện dự án khai thác hầm lò rìa moong lộ thiên. Tuy nhiên, trong quá trình đào lò xây dựng cơ bản xuất hiện than cháy nội sinh và bục nước phải tạm dừng để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn. Đến tháng 10-2014, Công ty mới đưa được lò chợ đầu tiên vào khai thác.

Thực hiện “Đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015” theo Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TKV ngày 5/3/2014 và Quyết định số 401/QĐ-TKV về việc phê duyệt đề án Tái cơ cấu và Cổ phần hóa Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin. Theo đó, tháng 4-2014, Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa được sáp nhập vào Công ty Mẹ và trở thành Chi nhánh trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP.

Các thiết bị chuyên dụng hiện đại được Công ty than Khánh Hòa đầu tư để phục vụ sản xuất.

Các thiết bị chuyên dụng hiện đại được Công ty than Khánh Hòa đầu tư để phục vụ sản xuất.

Năm 2013, 2014, Công ty thiếu diện sản xuất do giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn dẫn đến thiếu việc làm, đời sống cán bộ công nhân viên không ổn định. Để giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động, Công ty phải điều một số thiết bị, nhân lực đi làm thuê cho các đơn vị khác tại Quảng Ninh. Trong năm 2015, 2016, tình hình sản xuất của Công ty vẫn chưa được cải thiện nhiều do diện sản xuất không mở rộng được, diện đổ thải manh mún, đường làng Ngò đi qua khu vực bãi thải Tây người dân vẫn ngăn cản. Cũng trong giai đoạn này, để duy trì hoạt động, Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp về điều hành, tiết kiệm chi phí. Tháng 8-2017, được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành; Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ, Công ty đã đóng được đường làng Ngò. Do tạo được diện sản xuất ổn định, năng suất lao động cũng như năng suất thiết bị, các chỉ tiêu tiết kiệm chi phí Công ty đều thực hiện tốt hơn kế hoạch Tổng Công ty giao. Từ một đơn vị khó khăn, năm 2017 và 2018 đơn vị đã được Tổng công ty khen thưởng là đơn vị sản xuất khá nhất khối sản xuất than. Trong đó từ năm 2015 đến hết năm 2019 công ty khai thác 2,3 triệu tấn than nguyên khai, bóc 21 triệu mét khối đất đá, đào 4.213m lò, tiêu thụ 3,1 triệu tấn than sạch, nộp ngân sách 831,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, số lao động của Công ty sau khi đã được cơ cấu lại còn 756 người có trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, nghiệp vụ cao và được đầu tư nhiều trang thiết bị sản xuất hiện đại. Nhiệm vụ chính của Công ty là khai thác và chế biến than cấp cho nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, các nhà máy xi măng của Tổng Công ty và Công ty than Bắc Thái với khối lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 600.000 tấn. Trong 50 năm kể từ năm 1970 đến nay, Công ty than Khánh Hòa đã bốc xúc, vận chuyển 88,2 triệu mét khối đất đá, khai thác trên 11,4 triệu tấn than nguyên khai, đào 8.540m lò, tiêu thụ hơn 10,5 triệu tấn than sạch.

Trong điều kiện còn khó khăn nhưng Công ty luôn quan tâm đến công tác xã hội, như: Hỗ trợ xây dựng trường, xây dựng nông thôn mới, các công trình sản xuất; hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, các quỹ từ thiện xã hội với tổng số tiền hỗ trợ từ năm 2015-2019 là 3,5 tỷ; cải tạo, nâng cấp đường bê tông từ Quốc lộ 3 vào khu trung tâm mỏ trị giá hơn 8,04 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp đường bê tông tiêu thụ từ xóm 3 Phúc Hà đến Quán Triều dài 1,82km trị giá hơn 11,6 tỷ đồng.

Họp bộ phận kỹ thuật sản xuất.

Họp bộ phận kỹ thuật sản xuất.

Để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất Công ty giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Công ty than Khánh Hòa sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gắn liền với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác than. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải; đầu tư đổi mới, đồng bộ hóa các thiết bị hiện đại có công suất lớn phù hợp; tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa các khâu trong dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đầu tư phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi và thực sự tâm huyết để xây dựng phát triển công ty; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu sắp xếp lực lượng lao động phù hợp với mô hình quản trị mới, đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động, với mục tiêu “An toàn - Hiệu quả - Phát triển”.

Trải qua 70 năm, Công ty than Khánh Hòa đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành phố tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba cùng nhiều cờ và danh hiệu thi đua khác…

Trịnh Hồng Ngân Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty than Khánh Hòa

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/quang-cao-rao-vat-mien-phi/noi-tiep-truyen-thong-cua-tap-the-can-bo-cong-nhan-vien-mo-than-khanh-hoa-266303-211.html