Viết tiếp truyền thống quê hương cách mạng
Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp trở về xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, một miền quê giàu truyền thống cách mạng, nơi có 'chốt thép' Long Quang, một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, biểu tượng của nghệ thuật chiến tranh Nhân dân.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Chiến ở xã Triệu Trạch bồi hồi nhớ lại, so với các xã vùng đồng bằng ở huyện Triệu Phong thì Triệu Trạch là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, có dải đất phì nhiêu ở gần biển, giàu lương thực, thực phẩm, lại có địa hình hiểm trở, có rú Linh An, Lệ Xuyên và Vân Tường là nơi có thể giấu hàng tiểu đoàn quân và tiến hành chiến tranh du kích thuận lợi. Bên cạnh đó, người dân xã Triệu Trạch có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng. Từ những thuận lợi đó, Huyện ủy Triệu Phong chọn Triệu Trạch làm nơi đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng. Do có vị trí chiến lược quan trọng như vậy nên Mỹ - ngụy luôn tìm mọi cách để tấn công truy quét gắt gao, có thời điểm cả làng Long Quang bị địch san phẳng không còn một cây xanh hay ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, cao trên 1m. Từ tháng 7/1972 - 1/1973, nêu cao tinh thần “quyết tử” bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, các đơn vị bộ đội chủ lực của Sư đoàn 320B, 325, các đơn vị xe tăng pháo binh cùng bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị và huyện Triệu Phong, dân quân du kích xã Triệu Trạch và các xã đã chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc, bẻ gãy và đẩy lùi các cuộc phản kích của Mỹ - ngụy bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.
Cùng chia sẻ những năm tháng chiếu tranh ác liệt, ông Phan Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch giai đoạn 1972 - 1974 cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Triệu Trạch là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Đặc biệt, từ năm 1969 - 1972, khi phong trào cách mạng của huyện gặp khó khăn, xã Triệu Trạch làm cơ sở cách mạng của xã, huyện. Hầu hết các làng, xóm đều có hầm bí mật che chở và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Ngày 25/4/1972, xã Triệu Trạch được giải phóng, phong trào cách mạng của xã không ngừng lớn mạnh, vừa ổn định vùng giải phóng, vừa bổ sung lực lượng tiến về Chi khu Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và Hải Lăng, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972. Do bị quân và dân ta đánh bại trên chiến trường Quảng Trị nên địch rất cay cú tìm cách đánh chiếm lại Quảng Trị. Ngày 20/10/1972, địch bắt đầu phản công tại chốt Long Quang với mật danh là Sóng Thần 36. Địch huy động 1 tiểu đoàn bộ binh với sự hỗ trợ của xe tăng ồ ạt tấn công vào tuyến chốt Long Quang. Từ khi tiếng súng chốt Long Quang nổ, bộ đội, du kích gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi ngày có hai đợt máy bay B52, pháo địch cách nhiều nhất là 5 phút liên tiếp dội xuống hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Trên mảnh đất chưa đầy 1 cây số vuông sau những đợt tàn phá dữ dội, làng mạc tiêu điều, đồng ruộng xơ xác nhưng vẫn không thể nào uy hiếp được tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng của cán bộ, du kích xã Triệu Trạch. Từng cán bộ, chiến sĩ hạ quyết tâm kiên quyết tiến công, hiệp đồng chiến đấu, đập tan âm mưu thủ đoạn của địch.
Ngay sau ngày giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Triệu Phong, Đảng ủy xã Triệu Trạch lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống. Cựu chiến binh Nguyễn Duy Chiến cho biết, vào thời điểm này, đội rà phá bom mìn bất chấp ngày đêm, mưa hay nắng đều làm việc để người dân ổn định cuộc sống và có đất sản xuất an toàn. Chỉ sau hơn 3 tháng triển khai, hàng chục ngàn quả bom mìn được tháo gỡ, hàng trăm héc ta ruộng vườn được trả lại cho Nhân dân. Từ đây, xã Triệu Trạch đã xây dựng nhiều phong trào sản xuất như khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất, phong trào hợp tác hóa của địa phương phát triển nên đời sống của người dân nhanh chóng được ổn định.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, xã Triệu Trạch là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Triệu Phong, của tỉnh. Năm 2015, xã Triệu Trạch được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 3,67%, hộ cận nghèo còn 4,21%. Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Linh An được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua; năm 2020, HTX Long Quang được UBND tỉnh công nhận HTX kiểu mới…
Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch Lê Văn Mẫn cho biết, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã, đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động như: “Phát triển kinh tế vùng cát giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; “Xây dựng HTX kiểu mới Linh An năm 2018”; “Xây dựng HTX kiểu mới Long Quang giai đoạn 2019 - 2020”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ huyện Triệu Phong, khóa XIX về “Xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại giai đoạn 2016 - 2020”; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, khóa XVI “Về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”… Theo đó, xã chú trọng làm tốt việc xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng màu, mô hình canh tác tự nhiên, mô hình sen cá, đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại với mô hình công nghệ cao và có sự liên kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai thực hiện, lựa chọn sản phẩm “Dưa hấu Long Quang” làm sản phẩm đặc trưng xây dựng thương hiệu. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng phát triển mạnh ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại- dịch vụ. Năm 2020, tổng giá trị các ngành sản xuất đạt 212 tỉ đồng… Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Triệu Trạch đạt 52 triệu đồng.