Viết tiếp truyền thống 'Vì nhân dân quên mình'
Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
LTS: Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng “Vì nhân dân quên mình”, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô còn chung sức trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 20 khơi thông dòng chảy tại thôn Chân Chim, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức).
Bài đầu: “Thế trận lòng dân” vững chắc
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác dân vận. Những cuộc hành quân dã ngoại kết hợp làm dân vận, nhiều công trình dân sinh, nhà tình nghĩa được các đơn vị quân đội trao tặng cho các địa phương, người dân đã làm nên thành trì vững chắc trong lòng dân.
Những hoạt động trách nhiệm, nghĩa tình
Đợt huấn luyện kết hợp làm dân vận của Tiểu đoàn Trinh sát 20 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) tại thôn Chân Chim, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) đã kết thúc 3 tháng, nhưng nhiều người dân vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày được đón bộ đội về làng. Chỉ tay về con mương đầu làng, ông Nguyễn Văn Hoan, thôn Chân Chim chia sẻ: “Con mương này sạch như hôm nay là nhờ bộ đội không quản nắng nôi nạo vét, khơi thông dòng chảy”.
Trong những ngày về làng, bộ đội còn tổ chức chiếu phim phục vụ bà con. “Lần đầu tiên được xem phim “Nhìn ra biển cả”, kể về cuộc đời của Bác Hồ trong khoảng thời gian từ năm 1908 đến 1910 nên tôi và nhiều người rất xúc động”, bà Lê Thị Nhàn, thôn Chân Chim nhớ lại.
Không chỉ bà Lê Thị Nhàn mà sau khi trở về đơn vị, nhiều chiến sĩ cũng chưa quên được những ngày về địa phương làm dân vận. Trung sĩ Trần Xuân Trường, Trung đội 3, Tiểu đoàn Trinh sát 20 cho biết: “15 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con cho tôi cảm nhận được tình cảm nồng ấm của người nơi đây. Mọi người đón chúng tôi như đón người thân trong gia đình”.
Quãng thời gian cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 103 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) về địa phương làm dân vận, lãnh đạo xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) đang phải tập trung giải quyết nhiều việc, song vẫn bố trí cán bộ phối hợp với đơn vị đón bộ đội về làng. Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lộc Nguyễn Duy Xuyên cho biết: “Do đặc thù nhiệm vụ nên nơi ăn, ở của bộ đội không thể phân tán nhiều nơi, trong khi đó, thôn nào cũng muốn đón các anh về ở. Vì vậy, chúng tôi phải làm tư tưởng để bà con “ưu tiên” cho các gia đình ở thôn Thượng Vực được đón bộ đội về làm dân vận”…
Không phụ lòng nhân dân, trong hơn 10 ngày về xã Thọ Lộc, Tiểu đoàn 103 đã giúp địa phương đào đắp, nạo vét, khơi thông hơn 3km kênh mương nội đồng, sửa nhà văn hóa thôn, trao 10 phần quà tặng gia đình người có công với cách mạng, tổ chức nói chuyện thời sự, giao lưu văn nghệ...
Không chỉ huấn luyện gắn với dã ngoại làm dân vận mà Bộ Tư lệnh Thủ đô còn giúp dân dưới nhiều hình thức. Điển hình là hành trình “Lực lượng vũ trang Thủ đô chung tay vì người nghèo” tổ chức trong tháng 11-2019 đã mang lại niềm vui cho 2.100 người nghèo, đối tượng chính sách tại 7 xã thuộc 3 huyện: Sóc Sơn, Ứng Hòa, Ba Vì bởi họ được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; hơn 600 suất quà được trao tận tay người nghèo.
Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) kể: “Gia đình tôi là hộ nghèo, nay được các bác sĩ quân y về khám bệnh và tặng quà, tôi rất cảm động. Được bác sĩ dặn dò cẩn thận cách điều trị bệnh tiểu đường, tôi yên tâm hơn nhiều”.
Giúp dân là tự giúp mình
Tích cực cùng địa phương xây dựng cơ sở chính trị, địa bàn vững mạnh, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân. Đại tá Hà Trọng Tươi, Trưởng phòng Dân vận, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định: “Công tác dân vận của lực lượng vũ trang Thủ đô luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo với nhiều mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Kết quả đó đang mang lại hiệu ứng tích cực cho các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng mối đoàn kết gắn bó máu thịt quân, dân, tô thắm phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”.
Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Thủ đô đã tổ chức gần 30 đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận ở các địa phương. Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia gần 22.000 ngày công lao động xây dựng các công trình dân sinh; tặng quà người có công với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị chủ lực và lực lượng vũ trang Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã tổ chức huấn luyện dã ngoại kết hợp làm dân vận tại các xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, các đơn vị chủ lực huy động 720 cán bộ, chiến sĩ, Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã huy động hơn 5.000 dân quân tự vệ, đóng góp 13.000 ngày công giúp người dân vệ sinh môi trường, nâng cấp đường liên thôn, liên xã, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế…
Cùng với việc quan tâm đời sống nhân dân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn làm tốt công tác tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội với người có công. Chia sẻ về kết quả thực hiện công tác dân vận, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Thực hiện các hoạt động giúp địa phương và nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, chỉ tiêu xây dựng nét đẹp “Người chiến sĩ Thủ đô” trong thời kỳ mới”.
Với phương châm “giúp dân là tự giúp mình”, những việc làm tình nghĩa của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội là sợi dây kết nối tình quân, dân bền chặt, tạo thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh, giúp các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
(Còn nữa)