Viết tiếp ước mơ...
Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy nghề, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, Làng Hữu nghị Việt Nam thuộc Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam còn là nơi chắp cánh cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thông qua dự án Hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là khi các em về hòa nhập cộng đồng, làng vẫn tiếp tục theo dõi, giúp đỡ. Với các em có khả năng, nghị lực thực hiện mô hình kinh tế, làng sẽ hỗ trợ để có thể tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội”.
Chúng tôi theo đoàn công tác của làng về gia đình em Phạm Trung Vệ ở tổ dân phố 3, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để trao vốn hỗ trợ em phát triển mô hình bán hàng tạp hóa và photocopy. Vệ là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Em bị khuyết tật vận động do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. 23 tuổi nhưng trông Vệ như học sinh tiểu học. Sau khi rời Làng Hữu nghị Việt Nam năm 2020, Vệ được người thân hỗ trợ bán hàng tạp hóa tại nhà, nhờ học trong lớp vi tính tại làng, em đã đề xuất mua máy tính mở cửa hàng photocopy. Để tiếp thêm động lực cho Vệ, làng hỗ trợ 40 triệu đồng giúp em mở rộng mô hình. Đây là số tiền do làng phối hợp với Ủy ban quốc tế mà trực tiếp là Ủy ban quốc gia Mỹ về Làng Hữu nghị Việt Nam tài trợ.
Xúc động trước việc làm ý nghĩa của Làng Hữu nghị Việt Nam, đồng chí Trần Văn Toàn, Phó chủ tịch Hội CCB thị xã Ba Đồn khẳng định: “Đây là niềm động viên kịp thời với những nạn nhân chất độc da cam, giúp họ và người thân có động lực vươn lên. Chúng tôi rất mong chương trình tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để nhiều đối tượng là nạn nhân chất độc da cam được thụ hưởng”. Còn ông Phạm Trung Viết, bố của Vệ không giữ được niềm xúc động khi gửi lời cảm ơn đến làng và các tổ chức quốc tế cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ để Vệ có được ngày hôm nay.
Được biết, từ nguồn quỹ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự vận động của làng, từ năm 2019 đến nay, làng đã hỗ trợ nguồn vốn cho 10 em thực hiện mô hình. Dự án mà làng đang thực hiện giúp các em có số vốn nhất định phát triển kinh tế, thực hiện ước mơ làm chủ cuộc sống. “Đặc biệt, các em hòa nhập cộng đồng là tấm gương cho những bạn cùng hoàn cảnh, nhất là các em từng học tập, rèn luyện, chữa bệnh ở Làng Hữu nghị Việt Nam làm theo”, Đồng chí Phạm Văn Khái, Phó giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam chia sẻ.
Chia tay gia đình em Phạm Trung Vệ bên những đồi cát trắng bỏng rát của Quảng Bình, chúng tôi tin tưởng rằng, với ý chí, nghị lực của mình cùng sự ủng hộ từ gia đình và cộng đồng, em sẽ tiếp tục vươn lên, làm chủ cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và trở thành tấm gương để những người có cùng hoàn cảnh học tập, noi theo.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viet-tiep-uoc-mo-697645