VIẾT TIẾP ƯỚC MƠ DANG DỞ (*): Điểm tựa tinh thần

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn song các em vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống và nỗ lực trong học tập

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về nhà cô bé có biệt danh "Chim cánh cụt" Nguyễn Hoài Thương (học sinh lớp 7 Trường THCS Thị trấn 2) ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Hoài Thương là con của anh Nguyễn Văn Lợi, công nhân (CN) Công ty TNHH IS Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM).

"Con muốn làm bác sĩ"

Nghe có khách, từ trong nhà, một cô bé không tay, không chân di chuyển trên miếng gỗ ra cửa ngóng, rồi nhanh nhẹn cất tiếng chào: "Con chào cô. Con mời cô vào nhà chơi!". Nét mặt lanh lợi và sự lễ phép của em gây thiện cảm cho chúng tôi.

Chị Trần Thị Cẩm Giang, mẹ của Thương, kể Thương là con thứ 2 của vợ chồng chị. Cũng như lần mang thai đầu, chị cảm thấy rất bình thường và khi khám thai định kỳ, bác sĩ thông báo mẹ và con đều khỏe mạnh. "Sau cơn vượt cạn đau đớn, tôi nhìn qua giường bên cạnh, thấy một đứa bé bụ bẫm, quấn trong một chiếc khăn hồng. Tôi đâu biết rằng khi nhìn thấy con, chồng tôi gần như ngất xỉu. Anh muốn gọi về cho bà nội thông báo mà không còn nhớ số điện thoại. Đến chiều khỏe lại, tôi mới lại gần bé, mở khăn ra xem và thấy một đứa bé không có tay chân, tôi xỉu tại chỗ" - chị Giang kể lại.

Dù thân thể khiếm khuyết nhưng em Nguyễn Hoài Thương vẫn cố gắng vươn lên trong học tập

Dù thân thể khiếm khuyết nhưng em Nguyễn Hoài Thương vẫn cố gắng vươn lên trong học tập

Bé Thương được chẩn đoán bị ảnh hưởng chất độc da cam do khu vực anh chị ở gần căn cứ Đồng Dù, từng bị lính Mỹ rải chất độc da cam. Đang là CN may, chị Giang phải nghỉ làm để ở nhà chăm con. Bé Thương được vài tháng tuổi, hai mẹ con bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán vé số. Mỗi ngày, 2 mẹ con bắt xe buýt vào trung tâm TP, rong ruổi khắp nơi bán hết 150 tờ vé số mới về nhà. Khi Thương vào lớp 1, chị quyết định nghỉ bán vé số và nhận quần áo về nhà gia công để tiện việc đưa đón, chăm sóc con.

Ở nhà, Thương tự làm tất cả những việc của bản thân như vệ sinh, thay quần áo, chải tóc… Cô bé còn giúp mẹ làm việc nhà như quét nhà, bắc nồi cơm điện, xếp quần áo. Anh Lợi kể mấy năm trước khi đang đi đường, thấy người dân bày bán thỏ con dọc đường, Thương nằng nặc đòi ba dừng xe mua cho bằng được. Chiều Thương, anh đành mua 2 chú thỏ để con gái có bạn. Mỗi ngày, Thương có nhiệm vụ cho thỏ ăn uống. Không ngờ, từ cặp thỏ này đã sinh ra bầy thỏ con, mở thêm hướng kinh tế phụ cho gia đình anh. Anh chị học hỏi thêm kinh nghiệm và quyết định mở tiệm bán con giống và thỏ thịt. Tên tiệm cũng là biệt danh của con gái "Chim cánh cụt".

Hơn nửa tháng trước, chị Giang bị ngã gãy chân, không lãnh hàng về may được nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương CN hơn 6 triệu đồng/tháng của anh Lợi. "Năm rồi, vợ chồng tôi phải vay tiền của Hội LHPN xã để đóng học phí cho chị gái Thương. Năm nay, tôi dự định vay của Tổ chức Tài chính vi mô CEP để lo học phí cho 2 chị em. Do vậy, khi nghe Thương được nhận học bổng Báo Người Lao Động, vợ chồng tôi rất vui" - anh Lợi chia sẻ. Khi hỏi về ước mơ tương lai, Hoài Thương bộc bạch: "Con muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo".

Không phụ lòng ba mẹ

Rời nhà Hoài Thương, chúng tôi tìm về ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP HCM để gặp cậu bé Nguyễn Bảo Khang (học sinh lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Cội), con chị Đỗ Thị Kiều Ngân, CN Công ty TNHH Hansae Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi).

Trong nhà, đồ đạc gia đình bày ngổn ngang, do cả nhà Khang vừa chuyển từ nhà trọ về ở nhờ nhà ông bà nội. Trước đây, gia đình Khang thuê nhà trọ bên ngoài với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng gần đây, dịch Covid-19 bùng phát, tiệm sửa xe lề đường của ba Khang vắng khách phải đóng cửa, cả gia đình về ông bà nội xin tá túc.

Dịch Covid-19 khiến đơn hàng công ty chị Ngân cũng giảm sút, công việc của chị vì thế bấp bênh. "Do thiếu đơn hàng nên công ty đã ngưng một số xưởng. CN lo lắng lắm vì nếu mất việc, đời sống CN sẽ rất khó khăn. Người từng bị tai nạn lao động như tôi càng khó xin việc" - chị Ngân bộc bạch.

Ngoài giờ học, em Nguyễn Bảo Khang còn biết giúp đỡ ba mẹ việc nhà

Ngoài giờ học, em Nguyễn Bảo Khang còn biết giúp đỡ ba mẹ việc nhà

Vào năm 2006, trên đường đi làm về, chị Ngân bị tai nạn giao thông đứt dây chằng, đứt động mạch, tỉ lệ thương tật 37%. Lúc ấy, chị đang mang thai đứa con thứ hai ở tháng thứ bảy nên bác sĩ không thể phẫu thuật cho chị vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi sinh xong, chị trở lại bệnh viện nhưng không phẫu thuật được nữa vì vết thương quá cũ, nếu phẫu thuật, nguy cơ chị không đi lại được lên đến 80%.

Chị Ngân đành phải sống chung với một bên chân có tật, đi đứng khó khăn, thường xuyên đau nhức. Thông cảm với tình trạng sức khỏe của chị Ngân, công ty bố trí cho chị công việc nhẹ nhàng, không phải đứng hay di chuyển nhiều. Thương mẹ bệnh tật, cậu bé Khang cố gắng học hành chăm chỉ. Ngoài giờ học, Khang chơi với em gái và phụ mẹ làm việc nhà. Để cải thiện kinh tế gia đình, ba Khang nuôi thêm mấy con bò. Sau giờ đi học, Khang phụ ba mẹ cắt, lấy cỏ cho bò ăn…

"Em ước mơ lớn lên sẽ trở thành một doanh nhân để phụ giúp ba mẹ vì ba mẹ đã rất vất vả để nuôi em. Em yêu mẹ lắm vì em biết nhiều khi chân của mẹ rất đau nhưng vẫn cố gắng làm việc, tăng ca để có tiền lo cho 2 anh em" - Khang bày tỏ.

Ông HUỲNH VĂN TUẤN, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM:

Xứng đáng nhận học bổng

Hoài Thương, Bảo Khang là những tấm gương sáng về tinh thần vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các em vẫn lạc quan, cố gắng học hành. Ngoài việc học tốt, các em còn rất ngoan khi biết giúp đỡ gia đình, phụ việc nhà. Các em thực sự là chỗ dựa tinh thần của ba mẹ lúc khó khăn. Cảm ơn Chương trình học bổng Báo Người Lao Động đã quan tâm, chia sẻ với con CN có hoàn cảnh khó khăn.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9

Kỳ tới: Khó khăn không sờn lòng

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/viet-tiep-uoc-mo-dang-do-diem-tua-tinh-than-20200923202937724.htm