Viết tiếp ước mơ đến trường cho học sinh dân tộc thiểu số

Năm 2015, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được thành lập. Sau 7 năm, trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là nơi quy tụ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (phần lớn là Khmer) địa phương, chắp cánh cho ước mơ đi tìm con chữ của đồng bào.

Đôi mắt to tròn, Neang Sây Ha (ngụ xã Ô Lâm) tươi tắn ngồi hàng đầu của lớp 7A1 dự lễ khai giảng năm học mới. Cha của em là tài xế, thường xuyên di chuyển mưu sinh, mẹ bận bịu mua bán nhỏ. Gia cảnh không gặp khó, nhưng nếu học ở trường THCS bình thường, chắc chắn việc học của em gặp bất tiện, vì cha mẹ không thể đưa rước mỗi ngày.

Vì vậy, em được bố trí học nội trú ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tri Tôn, cách nhà khoảng 20km. Mỗi cuối tuần, em được mẹ rước về nhà, đầu tuần trở lại trường. Thời khóa biểu ở trường sẽ bao gồm các buổi học, buổi ăn, phụ đạo và nghỉ ngơi một cách hợp lý.

“Sau thời gian bỡ ngỡ lớp 6, em đã quen với môi trường học và sinh hoạt nơi đây, cảm thấy bớt nhớ nhà. Em muốn sau này học ngành y, nên từ bây giờ em phải đạt thành tích học tập tốt. Chương trình học mới nghe nói rất khó, em càng phải nỗ lực hơn. Mục tiêu hiện tại của em là phấn đấu học giỏi trong năm nay” - cô học trò nhỏ Neang Sây Ha quyết tâm.

Theo cô Cao Thị Phương Trang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2024 - 2025, trường đón 140 học sinh lớp 6 trúng tuyển, nâng tổng số học sinh lên 545 em (16 lớp). Chưa đầy 10 năm thành lập và phát triển, nhưng trường đã đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Chất lượng giáo dục các môn văn hóa được duy trì; 100% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt; 100% học sinh lên lớp thẳng; 35,6% học sinh giỏi (tăng 8% so năm học trước).

Học sinh biểu diễn văn nghệ

Học sinh biểu diễn văn nghệ

Cùng với đó, nhiệm vụ nuôi dạy học sinh nội trú đạt hiệu quả, nhận được sự tin tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương. Cơ sở vật chất nhà trường ngày càng khang trang, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ giáo viên luôn trách nhiệm với nghề, tận tâm vì học sinh thân yêu, 13/34 cá nhân dạy giỏi cấp trường. Nhiều năm liền, đơn vị được UBND tỉnh tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc.

“Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, nhà trường được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen vì thành tích tốt trong đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này được chúng tôi duy trì nhiều năm nay. Mỗi năm, trường rà soát số lượng học sinh hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc mồ côi, sau đó phân công ban giám hiệu, mỗi tổ chuyên môn nhận đỡ đầu từ 1 - 3 em.

Năm học vừa qua, nhà trường đỡ đầu 15 em, mỗi em 900.000 đồng tiền mặt. Ngoài ra, các em còn được nhận quà Trung thu, Tết Nguyên đán, được giáo viên chủ nhiệm dắt đi mua quần áo theo chương trình “Áo Tết cho em”. Toàn bộ nguồn tiền do thầy, cô đóng góp. Sắp tới, chúng tôi dự kiến tăng hỗ trợ mỗi tháng từ 200.000 đồng trở lên” - cô Cao Thị Phương Trang chia sẻ.

Tham dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tri Tôn, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những kết quả của thầy, cô giáo và học sinh nhà trường đạt được trong năm học qua.

Đồng chí Lê Hồng Quang nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025, trước yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục, bối cảnh An Giang còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đề nghị ngành giáo dục tỉnh nói chung, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tri Tôn nói riêng cần nhanh chóng cụ thể hóa giải pháp, nhiệm vụ năm học; khắc phục tồn tại, hạn chế; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và phụ huynh học sinh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đạt được kết quả tốt nhất.

“Trong đó, cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Quán triệt, triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về thực hiện nhiệm vụ năm học mới trong cán bộ quản lý, viên chức, người lao động, học sinh toàn trường. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học tiên tiến, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh dân tộc nội trú. Tổ chức tốt đời sống nội trú cho các cháu; chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; giáo dục văn hóa truyền thống, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hướng học sinh đến các giá trị tốt đẹp của dân tộc, giá trị chân - thiện - mỹ, sự sẻ chia, đồng cảm và tương trợ lẫn nhau” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/viet-tiep-uoc-mo-den-truong-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-a405351.html