Viết tiếp vụ cựu Bí thư Bến Cát (Bình Dương) kêu oan: Những cáo buộc bị đánh giá 'thiếu thuyết phục' của VKS

Như PLVN đã phản ánh, sau nhiều lần đề nghị cho ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư Bến Cát) tại ngoại để chữa bệnh, đơn của người nhà ông Khanh vẫn không được chấp nhận.

Các LS đánh giá trong vụ án này, VKSND Bình Dương chưa thực hiện đúng, đủ vai trò trong kiểm sát điều tra, chưa chứng minh được các bị cáo phạm tội.

Các LS đánh giá trong vụ án này, VKSND Bình Dương chưa thực hiện đúng, đủ vai trò trong kiểm sát điều tra, chưa chứng minh được các bị cáo phạm tội.

Ngày 27/12/2019, bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) và ông Nguyễn Thanh Sang (em ông Khanh) có đơn xin bảo lĩnh cho ông Khanh được tại ngoại để chữa bệnh.

Trả lời đơn này, VKSND Bình Dương có giấy báo tin số 07/GBT–VKS–P1, ngày 2/1/2020 do KSV Huỳnh Trung Hiếu ký, nêu “hiện vụ án đang được CQĐT công an Bình Dương thụ lý điều tra bổ sung. Do đó VKS chuyển đơn xin bảo lĩnh của bà Phương Anh và ông Sang đến CQĐT để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền và tiến hành kiểm sát việc giải quyết đơn theo pháp luật”.

Một điều rất lạ thường, trả lời cho vợ và em ông Khanh thì nói “thẩm quyền thuộc CQĐT”. Nhưng ngày 22/1/2020, trả lời kiến nghị cho ông Khanh tại ngoại của LS Lê Thị Minh Nhân, VKS lại nói ông Khanh “phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên không có căn cứ thay đổi biện pháp ngăn chặn”.

Trả lời này do Viện phó VKSND Bình Dương Nguyễn Phước Trung ký. “Một cái họ nói không có thẩm quyền. Một cái họ nói không có căn cứ. Đâu mới là trả lời đúng?”, LS Nhân hỏi.

Trong vụ án ông Khanh bị cáo buộc “đồng phạm giúp sức cho hai cán bộ ngân hàng” khi chỉ là người mua tài sản thế chấp có dấu hiệu oan sai này, ngay từ ban đầu, VKSND Bình Dương đã vào cuộc nhanh một cách bất thường.

Ngày 16/10/2016, trong cùng một ngày, khi ông Nguyễn Hiệp Hòa có đơn tố giác tội phạm đến Công an tỉnh Bình Dương thì Viện trưởng VKSND Bình Dương Mai Văn Dũng đã ký quyết định phân công KSV.

Quá trình kiểm sát điều tra vụ án, truy tố các bị cáo, VKSND Bình Dương bị các luật sư đánh giá là chưa làm đúng, đủ chức năng nhiệm vụ về tố tụng và nội dung.

Về nội dung vụ án, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) nêu: “Tại phiên tòa, VKS đã thừa nhận nhiều vấn đề cáo trạng quy kết là không đúng. Như quyền sử dụng đất bị thế chấp của cụ Hiệp không phải của nhà nước. Việc mua bán đất tài sản bảo đảm thế chấp không cần phải đấu giá”.

“Ông Khanh mua ngay tình, hợp pháp. Nói về quy trình, việc xét duyệt, đồng ý cho bán hoặc yêu cầu như thế nào là do ngân hàng đưa ra. Còn ông Khanh thuần túy chỉ là người mua nên chỉ biết ngân hàng đồng ý, thỏa thuận giá với người bán, hợp đồng mua bán có công chứng, chứng thực, thực hiện các nghĩa vụ về thuế và sang tên.

Tại phiên tòa, công chứng viên đã nói không có o ép, sổ đỏ đã được giải ngân, không còn liên quan đến ngân hàng thì giao dịch đó là hợp pháp. Thì làm sao cáo buộc ông Khanh mua bán là giúp sức cho cán bộ ngân hàng được?”.

“LS đã nêu ra các quy định, đặc biệt là Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, thì đấu giá chỉ là một hình thức xử lý nợ. Một hình thức xử lý khác là các bên thỏa thuận là người có tài sản thế chấp và ngân hàng. Hai bên thỏa thuận việc đồng ý giá bán thì là hợp pháp và không cần thông qua đấu giá.

Cùng một quy định nhưng VKS lại cắt câu trước để truy tố, còn bỏ lại câu sau. Hợp đồng thế chấp 3 bên cũng quy định hai bên thỏa thuận việc xử lý tài sản khi không trả nợ được. Trong vụ này, các bên đã thực hiện đúng luật, nhưng VKS vẫn cố buộc tội cho bằng được”, LS Quynh nói.

LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) thì nhận xét trong vụ án này VKS không đối đáp được hoặc có nội dung đối đáp loanh quanh. “Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cao nhất trong Bộ Luật TTHS. Bị can bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội; và khi người ta chỉ ra được các yếu tố vô tội thì CQĐT, VKS phải bác bỏ được. Nếu không bác được những luận cứ về vô tội thì có nghĩa việc buộc tội của VKS có vấn đề”.

“Trong vụ án này, tôi đưa ra 10 vấn đề công khai nhưng VKS không thể phản hồi được. Dù tòa trả hồ sơ, không nêu những ý kiến mà luật sư nói một cách đầy đủ, nhưng trong hoạt động điều tra và truy tố, CQĐT và VKS có nghĩa vụ chứng minh”, LS nói.

Theo LS Hải, những đối đáp của VKS về tài sản nhà nước bị thất thoát từ quyền sử dụng đất đến vốn, các hoạt động dịch vụ liên quan là “loanh quanh”. “VKS không chỉ ra đâu là tài sản nhà nước bị thất thoát. VKS dùng quy định duy nhất làm căn cứ quy kết các bị cáo sai phạm về pháp luật tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 163. Nhưng chính ngân hàng BIDV xác nhận các bị cáo không vi phạm.

Lý do “đá nhau” khi VKS trả lời đơn đề nghị bảo lĩnh

Lý do “đá nhau” khi VKS trả lời đơn đề nghị bảo lĩnh

Quá trình đối đáp, VKS không trả lời được thì quay sang nói ngoài khoản 1 Điều 58 thì họ căn cứ vào các quy định về nội bộ của BIDV. Điều đó là không chấp nhận được. Phải luận tội theo BLHS và các quy định pháp luật, chứ không thể căn cứ theo nội quy ngân hàng”, LS Hải nói.

Được biết sau 1 tháng điều tra 5 vấn đề trong quyết định trả hồ sơ của tòa, mới đây CQĐT công an tỉnh Bình Dương đã có kết luận điều tra bổ sung. PLVN sẽ phản ánh vấn đề này trong các số báo sau

Có dấu hiệu chưa kiểm sát quá trình điều tra vụ án:

LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM), đánh giá: “Theo tôi, ngay từ khi khởi tố vụ án này, VKS đã chưa thực hiện đúng quyền kiểm sát của mình”.

Thứ nhất, về tội danh truy tố, căn cứ Nghị quyết 41 của Quốc hội, hành vi của các bị cáo phải bị xem xét xử lý ở Điều 165 BLHS năm 1999 về tội “Cố ý làm trái” hay theo Điều 219 BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. VKS truy tố ở Điều 219 là dấu hiệu trái với hướng dẫn của Nghị quyết 41.

Thứ hai, về thẩm quyền điều tra, truy tố vụ án. Nếu các bị can bị cáo có sai phạm, theo thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ thì hành vi trên thuộc thẩm quyền của CQĐT Công an TP HCM hoặc Hà Nội. Nếu liên quan nhiều tỉnh thành thì có thể do CQĐT Bộ Công an thực hiện. Theo luật, VKS Bình Dương phải có trách nhiệm phải kiểm tra và chuyển thẩm quyền nhưng đã không thực hiện.

Thứ ba, liên quan việc kiểm sát về thu thập chứng cứ của CQĐT. Việc định giá tài sản đã vi phạm quy định về định giá. Thành phần của Hội đồng định giá trong vụ án này sai quy định. Từ đó kết quả định giá trái luật, vi phạm tố tụng. Nhưng VKS cũng không kiểm tra, giám sát chuyện này, không khắc phục trong quá trình trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Thứ tư, là giám sát việc tống đạt các văn bản với các đương sự và bị cáo. Sau khi có kết luận định giá, CQĐT không tống đạt, VKS cũng không nhắc nhở, giám sát, kiểm tra là không tuân thủ pháp luật, chưa thực hiện đúng vai trò kiểm sát.

Thứ năm, liên quan phần đất thế chấp ở BIDV, CQĐT đã khởi tố 4 vụ án nhưng chỉ truy tố, xét xử 2 vụ. Còn 2 vụ đã hết thời hạn điều tra nhưng không đình chỉ. Và VKS cũng không hề có ý kiến.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/viet-tiep-vu-cuu-bi-thu-ben-cat-binh-duong-keu-oan-nhung-cao-buoc-bi-danh-gia-thieu-thuyet-phuc-cua-vks-492643.html